NGHỆ THUẬT ĐẦY TINH TẾ CỦA VIỆC KHÔNG QUAN TÂM – Nhân Cách Việt Đào tạo THÁI ĐỘ SỐNG, KỸ NĂNG SỐNG cho Thanh Thiếu Niên

NGHỆ THUẬT ĐẦY TINH TẾ CỦA VIỆC KHÔNG QUAN TÂM

Kính gửi Thầy Hiệu trưởng,
9 Tháng Năm, 2021
8 KỸ NĂNG SỐNG nên dạy trẻ trước khi lớn 
12 Tháng Năm, 2021

NGHỆ THUẬT ĐẦY TINH TẾ CỦA VIỆC KHÔNG QUAN TÂM

Một lời khuyên thường thấy để duy trì sự tự tin và đạt được thành công trong cuộc sống là đừng quá bận tâm về mọi thứ. Việc phí thời gian để quan tâm những thứ không cần thiết sẽ cản trở bạn đạt được các mục tiêu lớn. Vấn đề là, không phải ai cũng có thể làm được việc đó. 

Bài viết được dịch từ bản tóm tắt quyển sách “Nghệ thuật tinh tế của việc “Đếch” quan tâm”, tác giả Mark Manson.

Hầu hết chúng ta vật lộn với cuộc sống bằng việc quan tâm đến những thứ không đáng. Chúng ta khó chịu khi show mình thích trên TV bị hủy. Chúng ta để ý chuyện đồng nghiệp cứ liên tục khoe khoang về kỳ nghỉ sang chảnh của mình. Chúng ta để bụng cả chuyện trời mưa và mình phải ra ngoài chạy bộ vào buổi sáng.

Tại sao bạn lại quan tâm nhiều như vậy? Liệu việc đó có hay ho hay khiến bạn sung sướng không?

Khi lựa chọn quan tâm đến tất cả mọi thứ, ta cảm giác như mình lúc nào cũng thoải mái và hạnh phúc. Đó là lúc đời sẽ cho ta biết mùi.

Dành sự quan tâm cho một vài điều thật sự đáng giá sẽ khiến cuộc đời này dễ dàng hơn nhiều. Khi đó, bạn sẽ thấy thất bại không còn quá khủng khiếp và những lời từ chối cũng bớt đau đớn hơn. Chúng ta không nhận ra là có một nghệ thuật đỉnh cao trong việc “không quan tâm”. Thực tế, bản năng của con người là quan tâm đến nhiều thứ. Hình ảnh những đứa bé khóc lóc om sòm chỉ vì ba mẹ mua một món đồ chơi không đúng ý thích, thậm chí chỉ sai màu sắc, có lẽ chẳng còn xa lạ. 

Phát triển khả năng điều khiển, quản lý các mối bận tâm là bản chất của sức mạnh và sự chính trực. Chúng ta phải trau dồi sự thiếu hụt những kỹ năng này qua hàng năm và hàng thập kỷ. Giống như loại rượu vang tốt, những mối quan tâm của ta phải được để thật lâu trong hầm và chỉ bật ra vào những dịp đặc biệt.

Nghe thì có vẻ dễ, nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Vậy nên, dưới đây là 3 cách để bạn “sử dụng” sự quan tâm của mình đúng lúc đúng chỗ và giảm đi những áp lực không đáng có trong cuộc sống.

👉 Không Quan Tâm Không Có Nghĩa Là Thờ Ơ, Đơn Giản Là Cảm Thấy Thoải Mái Khi Khác Biệt

Khi hình dung về việc không quan tâm, hầu hết mọi người nghĩ tới sự dửng dưng hoàn toàn trước mọi thứ. Đó là suy nghĩ sai lầm. Những ai tỏ ra dửng dưng đôi khi lại mâu thuẫn đến buồn cười. Họ thường phải cố thể hiện là mình thờ ơ chỉ vì đang để bụng quá nhiều. 

Một ví dụ rất phổ biến mà ai cũng có thể thấy trên internet. “Mình không có ác ý gì đâu nhưng mà…”. Đừng bị lừa, người này thực chất đang chuẩn bị nói gì đó ác ý. “Mình không quan tâm đâu nhưng…”. Nếu đã không quan tâm sao lại nói ra làm gì? “Có phải mỗi mình thấy là…”. Rõ ràng họ đang nói vậy để tìm đồng minh. Họ đang trốn trong một cái hố vô cảm, chỉ quan tâm đến bản thân và tự thương hại chính mình.

Hãy thử đặt trường hợp, mẹ của bạn gần đây bị người thân lừa một khoản tiền lớn. Nếu dửng dưng, bạn sẽ chỉ nhún vai, lẳng lặng về phòng và tiếp tục một game hấp dẫn nào đó trên điện thoại. Nếu là người biết quan tâm, bạn sẽ cùng mẹ làm rõ mọi chuyện. Bạn có thể nói chuyện thẳng thắn, khuyên giải người họ hàng đó hay thậm chí phải mời luật sư nếu cần. Đây là sự khác nhau giữa dửng dưng và biết quan tâm đúng lúc, đúng chỗ.

Ví dụ ở trên là mẹo đầu tiên trong nghệ thuật không quan tâm. Khi không quan tâm, bạn xem nhẹ những khó khăn phải đối mặt để đạt được mục tiêu, như việc chẳng ngại phá vỡ mối quan hệ với người họ hàng và đòi lại công bằng cho mẹ. Những người như vậy rất đáng ngưỡng mộ. 

Họ không gục ngã sau một thất bại, thậm chí còn có thể cười cợt về điều đó rồi tiếp tục việc phải làm. Họ biết rằng mình đúng và điều này quan trọng hơn cả bản thân, cảm xúc hay thậm chí là lòng tự tôn. Khi nói “kệ nó”, ý họ là những thứ không quan trọng trong đời. Bởi vì chỉ bận tâm đến những điều lớn lao, quan trọng nên người khác cũng quan tâm họ như vậy.

👉 Để Bớt Lo Bao Đồng, Hãy Khoanh Vùng Những Việc Thật Sự Quan Trọng

Nhà triết học xã hội Eric Hoffer từng viết: “Một người có khả năng tự lo chuyện của mình khi nó đáng để bận tâm. Khi nó không đáng nữa, anh ta bắt đầu lo chuyện của người khác”.

Vấn đề của những người hay lo bao đồng là họ chẳng có chuyện gì đáng để dốc hết sức quan tâm cả. Nếu thấy mình đang quan tâm quá nhiều thứ tầm thường như avatar mới của bạn gái cũ, điều khiển TV nhanh hết pin, lỡ mất giảm giá mua hai tặng một, thì khả năng cao là bạn chẳng có gì để bận tâm một cách chính đáng. 

Trong cuộc đời này, những mối quan tâm của chúng ta phải được đặt vào đâu đó. Không có cái gọi là chẳng thèm quan tâm, thật ra đó là cách chúng ta phân chia sự chú ý. Bạn chỉ có một số lượng giới hạn các mối bận tâm trong đời, vậy nên phải đặt chúng ở những nơi phù hợp. Vấn đề là những mối bận tâm phải được tìm kiếm và đầu tư một cách thông minh.

👉 Bạn Sẽ Quan Tâm Đến Những Ai Vào Khi Nào?

Khi còn trẻ, chúng ta không thiếu năng lượng trong khi mọi thứ đều mới mẻ và có vẻ rất quan trọng. Vì thế, chúng ta cũng quan tâm hết cái này tới cái khác. Đến khi lớn hơn và có nhiều trải nghiệm, ta bắt đầu tập trung vào những điều ảnh hưởng lâu dài đến cuộc đời mình. Ý kiến của những người ta từng rất để ý trước đây không còn nhiều tác động nữa. Mọi người hầu như chẳng mấy khi để ý hoặc rất hời hợt, vì vậy bạn chỉ cần tập trung làm việc của mình.

Về cơ bản, chúng ta chọn lọc những điều mình sẵn sàng dành sự quan tâm. Đó gọi là “trưởng thành”. Khi bản sắc riêng được hình thành và củng cố, chúng ta biết mình là ai và không còn mong muốn thay đổi những gì tất yếu nữa. Bây giờ, chúng ta chỉ dành sự quan tâm cho những điều thật sự đáng giá trong cuộc đời: gia đình, bạn bè thân thiết, công việc. Sự đơn giản hóa ấy đã đủ khiến chúng ta mãn nguyện. Đến khi phải nói lời tạm biệt với cuộc sống, hy vọng rằng những người ta dành phần lớn sự quan tâm trong suốt cuộc đời sẽ ở đó. 

Nguồn tham khảo: markmanson & tamlyhoctoipham 

Chuỗi chương trình miễn phí vì cộng đồng

Comments are closed.