‘‘Người lái đò – Người qua đò, ai biết ơn ai?’’ – Nhân Cách Việt Đào tạo THÁI ĐỘ SỐNG, KỸ NĂNG SỐNG cho Thanh Thiếu Niên

‘‘Người lái đò – Người qua đò, ai biết ơn ai?’’

DAY CAMP – TOUR TRẢI NGHIỆM HƯỚNG NGHIỆP THỰC TẾ CHỌN NGHỀ LÀ CHỌN TƯƠNG LAI
4 Tháng Sáu, 2021
HỌC CÁCH LÀM VIỆC TỪ KHI 14 TUỔI
5 Tháng Sáu, 2021

‘‘Người lái đò – Người qua đò, ai biết ơn ai?’’

Ca dao có câu: ‘’Muốn sang phải bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy’’; hay ‘Muốn qua sông thì phải luỵ đò’. Những câu ca dao, tục ngữ của người xưa ở trên muốn nhấn mạnh vai trò của Người Thầy như một Người Lái đò để đưa các thế hệ Học trò qua sông. 
Tôi muốn kể bạn nghe câu chuyện của tôi liên quan tới ‘Người lái đò và Người qua đò’. Ngày xưa, cách đây gần 30 năm về trước, tôi học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà nội  và nhà tôi ở bên Đông Anh, ngoại ô Hà Nội. Cuối mỗi tuần, tôi đạp xe từ trường về nhà vào chiều Thứ bẩy và chiều Chủ Nhật lại đạp xe từ nhà sang trường. Tôi có 03 lựa chọn là đi đường Cầu Thăng Long hoặc đi qua Cầu Đuống hoặc đi qua Đò Đông Trù vượt qua Sông Đuống để từ Đông Anh sang Hà Nội và ngược lại. Ngày đó nếu đi qua Cầu Thăng Long hoặc Cầu Đuống thì đường xa, mất nhiều thời gian nên rất nhiều lần tôi chọn lựa đi qua Đò Đông Trù vì nó rút ngắn thời gian và quãng đường cho tôi. Mỗi lần tôi đi qua Đò Đông Trù thì phải trả Bác Lái Đò tiền vé và cả tôi (Người qua đò, qua được sông và tiết kiệm thời gian, công sức) và Bác lái đò đều vui (Bác có công việc làm và có tiền). 
Mặc dù câu chuyện đã xảy ra cách đây gần 30 năm về trước, đến nay Bến Đò Đông Trù không còn nữa và tôi cũng chưa bao giờ biết tên Người lái đò ngày xưa, nhưng thực sự cá nhân tôi và biết bao nhiêu Người qua đò đã thầm biết ơn Con đò Đông trù năm xưa và Người lái đò xưa đã chuyên chở chúng tôi qua sông Đuống, đã tiết kiệm cho chúng tôi biết bao nhiêu công sức và thời gian. Tôi cũng tin rằng Người lái đò khi xưa cũng rất biết ơn những khách qua đò vì đã mang lại thu nhập cho Người lái đò và những Người qua đò đã giúp cho Con đò xưa và Người lái đò xưa bận rộn mỗi ngày để thực hiện ‘nhiệm vụ’ mà Người lái đò đã lựa chọn.
Ngày nay, tôi với lựa chọn là một Nhà đào tạo, cũng giống như biết bao nhiêu Nhà huấn luyện, Nhà đào tạo trên thế gian này, một khi đã chọn cho mình ‘Sứ mệnh’ là “Người lái đò trí tuệ’’ thì tôi cho rằng nếu không có Người qua đò thì lấy ai để mà đưa qua sông, cho nên ‘’có trò rồi mới có thầy’’.
Ca dao tục ngữ có câu: ‘’Sinh cha rồi mới sinh con, sinh cháu trong nhà rồi mới sinh ông’’. Nên ‘Cha’ phải biết ơn ‘Con’, nhờ có ‘Con’ ra đời thì mình mới được làm ‘Cha’, làm ‘Mẹ’. Những bậc làm cha mẹ nhiều khi cứ cậy mình làm ‘Cha’, làm ‘Mẹ’ nên nghĩ mình có quyền ‘mắng’, ‘chửi’, hay quyền ‘đánh’ các con. Có những người ‘Thầy’ nhiều khi cứ cậy mình làm ‘Thầy’ và cho rằng mình có quyền bắt ‘Trò’ phải ‘Luỵ’, ‘Cung phụng’ và phải ‘Tôn thờ’ Thầy, phải coi Thầy là duy nhất. 
Tôi nghĩ Đạo làm Cha thì phải biết ơn các ‘Con’ vì nhờ có các ‘Con’ nên mới có chữ ‘Cha’, chữ ‘Mẹ’. Ngược lại, Đạo làm ‘Con’ thì phải biết ơn ‘Cha Mẹ’ vì có ‘Cha Mẹ’ thì mới có các Con. Tương tự, Đạo làm ‘Thầy’ thì phải biết ơn các ‘Học trò’ vì có ‘Học trò’ mới có ‘Thầy’. Người lái đò phải biết ơn Người qua đò vì nhờ có Người qua đò thì mới có Người lái đò. Với vai trò là một Nhà đào tạo, tôi luôn trân quý và biết ơn các học trò của tôi và nhờ có họ mà tôi có cơ hội thực hiện giấc mơ và Sứ mệnh ‘Người lái đò qua con sông trí tuệ’ của mình. Mỗi khi giúp được một học trò ‘Qua được con sông trí tuệ’, rút ngắn bớt được thời gian, giảm bớt được công sức của họ để quãng đường đến đích của họ ngắn lại thì Người lái đò này lại cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện.
‘Người qua đò’ có nhớ tới ‘Người lái đò’ hay không là quyền của ‘Người qua đò’. Tuy nhiên, có thể 20 năm, hay 30 năm sau, cũng giống tôi bây giờ vẫn còn nhớ tới Con Đò Đông Trù năm xưa đã giúp tôi tiết kiệm thời gian, tiết kiệm công sức, những Người học trò họ sẽ nghĩ lại về quãng đường họ đã đi qua, những ‘Con sông trí tuệ’ họ đã vượt qua và họ sẽ thầm biết ơn những Người lái đó trí tuệ. Và Bác lái đò năm xưa cũng chỉ mong đến thế đã là nhiều đối với Bác. Bác cần mẫn hàng ngày đưa hết đoàn người này đến đoàn người khác qua sông. Bác âm thầm, lặng lẽ thực hiện công việc mà Bác lựa chọn và Bác lái đò rất vui và hạnh phúc khi hoàn thành mỗi chuyến đò.
Theo tôi, Người qua đò – Học trò còn phải tiếp tục cuộc hành trình của họ. Họ còn phải đi qua nhiều ‘con sông trí tuệ’ tiếp theo. Ở mỗi ‘con sông trí tuệ’ lại có một ‘Người lái đò trí tuệ’ chờ sẵn ở đó để chuyên chở ‘Người qua đò’ vượt qua ‘con sông trí tuệ’. Tôi mong sao trong hành trình cuộc đời của mình, những người ‘Học trò’ – ‘Người qua đò’ sẽ luôn tìm được cho mình người ‘Thầy’ – ‘Người lái đò trí tuệ’ phù hợp, cần mẫn, trách nhiệm và luôn vững chắc tay chèo để giúp các thế hệ ‘Người qua đò’ cập bến bờ ‘Thịnh vượng, hạnh phúc và thành công’.
Thầy – Trò là mối quan hệ tương thuộc, phải có ‘trò’ mới có ‘thầy’ và ‘không thầy đố mày làm nên’. Cho nên ‘Thầy’ phải biết ơn ‘Trò’ và ‘Trò’ không quên ơn ‘Thầy’.
Bài viết mang quan điểm cá nhân của Tiến sĩ Tô Nhật

Comments are closed.