CHA MẸ, XIN ĐỪNG CHỌN NGHỀ THAY CON! – Nhân Cách Việt Đào tạo THÁI ĐỘ SỐNG, KỸ NĂNG SỐNG cho Thanh Thiếu Niên

CHA MẸ, XIN ĐỪNG CHỌN NGHỀ THAY CON!

Thiết kế cuộc đời như bạn mong muốn, hay cứ dạy theo bản năng, trời sinh voi trời sinh cỏ!
16 Tháng Một, 2020
Khóa học Nghệ thuật bán hàng đỉnh cao
17 Tháng Một, 2020

CHA MẸ, XIN ĐỪNG CHỌN NGHỀ THAY CON!

Không phải chỉ đến kỳ thi quan trọng chuyện ngành nghề tương lai của con mới là vấn đề gây tranh cãi trong nhiều gia đình. Ở rất nhiều nhà, cha mẹ đã tìm cách trao đổi, định hướng cho con ngay từ khi mới bước vào bậc học phổ thông.
Khi con viết tiếp ước mơ cho cha mẹ

Mong muốn con thành đạt là mong muốn chính đáng của bất cứ ai làm cha làm mẹ. Tuy nhiên, nhiều người để thực hiện được mong muốn của mình đã mặc quyền thay con định đoạt mọi chuyện. Thực tế cho thấy có không ít cha mẹ can thiệp trực tiếp vào cuộc sống của con, đưa ra những chọn lựa thay con và cho rằng đó là cách làm tốt nhất cho con mình. Lý giải điều này, nhiều người cho rằng mình là người đi trước, từng trải nhiều sẽ hiểu điều nào tốt cho con. Anh Đ. Khánh, phụ huynh có con học cuối cấp THPT dí dỏm tâm sự: “Rút kinh nghiệm đời bố, củng cố đời con” khi định hướng con theo khối ngành kinh tế thay vì chọn ngành học xã hội như mình trước kia.

Mỗi nhà mỗi cảnh, lại có nhà, cha mẹ kỳ vọng vào con viết tiếp ước mơ còn dang dở thời trẻ của mình, muốn con thành đạt hơn mình. Một bà mẹ kiên quyết muốn con phải vào bằng được ngôi trường ấy, học ngành ấy để sau này ra trường làm công việc ấy – những gì trước kia chị ấp ủ nhưng không thực hiện được. Con cái bỗng trở thành người viết tiếp ước mơ cho cha mẹ.

Tâm lý chung của cha mẹ khi định hướng con chọn ngành, nghề tương lai thương mong con chọn ngành dễ xin việc, đáp ứng xu thế xã hội. Chị T. Hương (Q. Phú Nhuận, TP HCM) thậm chí còn chia sẻ thẳng thắn: “chọn ngành nên định hướng cho con sau này con dễ xin việc, dễ kiếm tiền trong tương lai. Chứ chiều ý con, cho học ngành nó thích mà sau này xếp xó thì học làm gì!”. Nghe có vẻ thực dụng nhưng đây lại chính là suy nghĩ của không chỉ riêng chị Hương.

Con chọn hay cha mẹ chọn?

Không thể phủ nhận sức nóng của đề tài chọn trường, chọn nghề của con trong câu chuyện giữa những ông bố bà mẹ với nhau. Mối quan tâm khi gặp nhau hỏi han cũng thường là: “con anh/chị nộp trường nào?”. Người hướng được con theo ý mình thì hớn hở, người lại lắc đầu ngao ngán: “trứng mà đòi khôn hơn vịt!” khi con không nghe theo ý mình.

Chuyện cha mẹ mong muốn lựa chọn điều tốt cho con sẽ chẳng có gì đáng bàn cãi nếu không có những câu hỏi đặt ra như: liệu con mình có hứng thú với nghề mà ba mẹ đã chọn? Các bạn có năng lực theo đuổi nghề ba mẹ kỳ vọng? Chuyện cha mẹ muốn là một chuyện, khả năng và sở thích của con thế nào lại là chuyện đáng quan tâm hơn.

Cha mẹ nào cũng mong điều tốt cho con mình. Tuy nhiên, nếu mong muốn của cha mẹ khiến con trẻ phải gồng mình làm điều không thích, vượt quá khả năng bản thân thì hậu quả sẽ thật tai hại. Có không ít trường hợp, con vì không muốn phụ lòng cha mẹ, ngoan ngoãn chọn trường như cha mẹ mong muốn nhưng quá trình học sau này chẳng hứng thú gì. Kết cục là kết quả học tệ hại, không theo kịp hoặc có nhiều bạn vì chán nản nên bỏ dở ngành học đó, quay trở lại ôn luyện thi vào trường khác.

Nói về chuyện bất đồng giữa phụ huynh và con cái, những cha mẹ được đánh giá cao lại là những người chỉ mang tính định hướng cho con, còn lại con trẻ được quyền quyết định lựa chọn của mình. Họ chọn cách phân tích cho con hiểu đặc thù từng ngành nghề, còn lại lựa chọn là ở phía con trẻ. Họ chỉ đóng vai trò đi bên cạnh con, chỉ rõ những tốt xấu và sẵn sàng cho con trải nghiệm.

Bước vào kỳ thi quan trọng, phụ huynh đừng vì những bất đồng trong mong muốn chọn trường, chọn nghề khiến tâm lý con trẻ thêm căng thẳng. Khi cùng nhau tìm tiếng nói chung, con cái sẽ thấy cha mẹ không phải người áp đặt mà là người bạn đường đồng hành tiếp sức cùng con.

Nguồn: Theo VNM – PL.XH

 

 

Comments are closed.