Đừng tạo thêm áp lực cho trẻ – Nhân Cách Việt Đào tạo THÁI ĐỘ SỐNG, KỸ NĂNG SỐNG cho Thanh Thiếu Niên

Đừng tạo thêm áp lực cho trẻ

5 điều trường đại học không dạy cho sinh viên
3 Tháng Mười Một, 2022
Inbound Marketing là gì? Phân biệt Inbound Marketing và Outbound Marketing
8 Tháng Mười Một, 2022

Đừng tạo thêm áp lực cho trẻ

Những ngày cuối tuần thay vì được đi chơi thư giãn sau những giờ học căng thẳng, nhiều phụ huynh “ép” con tới các trung tâm luyện thi với mong muốn con vào trường chuyên, lớp chọn hay trường đại học danh tiếng. Việc đặt nhiều kỳ vọng và ước mơ của phụ huynh vô tình tạo nên áp lực lớn đối với con mình.

Áp lực thi cử là điều khó tránh khỏi, song nhiều phụ huynh biết cách để con coi việc học là một sân chơi bổ ích.

Đừng bắt con “chở” ước mơ của cha mẹ

Từ khi con trai bước vào Trường THCS, chị Nguyễn Tường Linh (phường 12, TP. Vũng Tàu) đặt vào con nhiều kỳ vọng và hướng con phải phấn đấu để thi vào trường chuyên khi lên cấp 3. Để đạt được mục tiêu này, ngoài ngày hai buổi học ở trường, hằng ngày, em Nguyễn Hùng Anh – con trai chị Linh có một thời khóa biểu “kín mít”: từ 17-21 giờ, đi học thêm 4 môn: Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh. Riêng ngày chủ nhật, Hùng Anh cũng được mẹ đăng ký học thêm tiếng Anh và tiếng Nhật tại trung tâm ngoại ngữ. Chỉ vì học nhiều quá mà trông Hùng Anh lúc nào cũng mệt mỏi, phờ phạc.

“Con không muốn ba mẹ buồn nên luôn cố gắng đạt kết quả cao nhất. Mặc dù phải tham dự đầy đủ các buổi học, căng thẳng trước những cuộc thi, nhưng điều mà gây áp lực nhất đối với con là vẫn thua bạn bè, chỉ nằm trong top 10 của lớp. Qua mỗi kỳ thi, khi nhận được số điểm chưa vừa ý, cha mẹ cho rằng con chưa đủ cố gắng. Những lúc đó, con rất mong có người bên cạnh động viên, chia sẻ”, Hùng Anh bày tỏ.   

Trường hợp phụ huynh như chị Linh hiện nay không phải hiếm, bởi tâm lý của những người làm cha mẹ ai cũng muốn con học giỏi, điểm cao nên “ép” con phải học thêm, học nhiều thầy cô để không thua kém “con nhà người ta” mà không hiểu rằng chính bản thân họ đang gây áp lực lớn đối với con.

Em Thái Phương Anh (TP.Bà Rịa) chia sẻ: “Năm nay là năm học cuối cấp 3, ngoài việc thúc giục em học thêm đủ ngày 3 buổi, hằng đêm em phải thức để làm bài tập đến 1-2 giờ sáng. Bình quân mỗi ngày em chỉ ngủ được 3-4 tiếng. Ba luôn ra điều kiện, chỉ cần em đậu vào trường ĐH Ngoại thương thì ba sẽ mua xe, cho đi du lịch nước ngoài. Nhưng ba không hiểu được rằng ước mơ lớn nhất, của em là được sống hồn nhiên và học hành vui vẻ chứ không phải là áp lực tới mức ám ảnh như bây giờ. Đôi khi em cảm thấy, ba mẹ ép con cái học hành chỉ để thực hiện ước mơ dang dở ngày xưa của mình mà không hiểu con mình thực sự muốn gì”.  

Là một giáo viên nay đã nghỉ hưu, cô Huỳnh Ngọc Lan (chung cư DIC Phoenix, TP. Vũng Tàu) cho rằng, học sinh hiện nay đang chịu áp lực rất lớn từ học hành, thi cử. Áp lực đối với các em học sinh không chỉ từ bài học quá nhiều, từ thầy cô yêu cầu quá cao, mà ngay cả gia đình cũng đòi hỏi, kỳ vọng ngoài sức học thực tế của con, em mình. Vì vậy, nhà trường, đặc biệt gia đình cần thấu hiểu năng lực của con mình, không nên tạo thêm áp lực với con. Đừng bắt con “chở” ước mơ của mình. Điều này, một trong những lý do dẫn đến tư tưởng tiêu cực cho con trẻ.

Ngoài việc học, phụ huynh nên để cho con mình có những giờ vui chơi với bạn bè.

Coi việc học là sân chơi bổ ích

Những ngày nay, các em học sinh đang bước vào kỳ thi giữa học kỳ 1. Áp lực thi cử là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đã biết cách để con coi việc học là một sân chơi bổ ích.

Chị Nguyễn Thái An (TP.Vũng Tàu) chia sẻ, tôi luôn nhắc nhở con mình hiểu rằng học là một việc quan trọng vì tuổi trẻ cần tri thức và  không cách nào tốt hơn ngoài việc cố gắng học. Tuy nhiên, không coi việc học là một gánh nặng, nếu cảm thấy thật mỏi mệt thì các con được phép nghỉ ngơi, vui chơi. Bởi mong muốn của ba mẹ là được thấy các con hạnh phúc với cuộc đời mình.

“Tôi luôn quan niệm, có nhiều con đường, nhiều lựa chọn để con cái trưởng thành. Nếu không thể trở thành một người thầy tốt, hãy trở thành một người thợ giỏi. Nên để cho con mình sống cuộc đời của chúng chứ không phải sống thay cho mình hay vì sĩ diện với hàng xóm, bạn bè. Do đó, các con tôi luôn coi việc học là sân chơi tri thức bổ ích”, chị An nói.

Theo các chuyên gia tâm lý, sai lầm nhất của phụ huynh là  khi chọn nghề cho con điều chú trọng nhất của là khả năng xin việc và mức độ thu nhập của ngành nghề đó như thế nào. Suy nghĩ đó không sai nhưng rất có thể là nguyên nhân làm hỏng cả cuộc đời của con mình. Ngay từ bây giờ hãy tìm hiểu con mình thích nghề gì, phù hợp hay ngộ nhận? Nếu con mình chưa biết thích cái gì thì hãy giúp con tìm được cái con thích. Sẽ đến lúc bậc làm cha làm mẹ cảm nhận được hạnh phúc khi thấy con mình làm đúng nghề yêu thích. 

Quan trọng nhất là phụ huynh cần dựa vào lực học của con mà hướng cho con cái đích phấn đấu phù hợp, không ép buộc theo chủ quan của mình. Hãy biến áp lực thành động lực để giúp con thực hiện ước mơ của mình trong tâm trạng thoải mái.

Bài, ảnh: THỤY NHIÊN

Comments are closed.