Đứa trẻ mồ côi xin 1 đôi giày trở nên thành công – Nhân Cách Việt Đào tạo THÁI ĐỘ SỐNG, KỸ NĂNG SỐNG cho Thanh Thiếu Niên

Đứa trẻ mồ côi xin 1 đôi giày trở nên thành công

10 định nghĩa về THÀNH CÔNG của BẠN
30 Tháng mười một, 2017
Tỉ phú Hong Kong Lý Gia Thành và câu nói kinh điển về thể diện: Dù là ai bạn cũng nên đọc!
11 Tháng mười hai, 2017

Đứa trẻ mồ côi xin 1 đôi giày trở nên thành công

ông chủ nói: ‘Không được, trừ phi tới đây làm 3 ngày’, nhiều năm sau cậu quay lại

Khi khó khăn, có người giúp đỡ bằng tiền bằng gạo, nhưng cũng có người giúp đỡ bằng cách dạy ta bài học sâu sắc. Câu chuyện của ông chủ tiệm giày và cậu bé mồ côi khiến mọi người suy ngẫm.

Năm 13 tuổi, cha mẹ cậu vì bệnh nặng mà qua đời, Huy trở thành một đứa trẻ mồ côi. Nhờ sự nuôi dưỡng của dì và những người hàng xóm tốt bụng, cậu đã lớn dần lên và trở thành học sinh cấp 3 trường huyện. Nhà của dì cũng nghèo, dì còn 3 đứa con phải chăm lo, Huy biết vậy nên cũng không bao giờ đòi hỏi nhiều, chỉ cần có bữa ăn là tốt lắm rồi.

Hôm nay, câu đang tập chạy bộ thì đột nhiên thấy một bên chân nhẹ bẫng. Thì ra là chiếc giày thể thao quá cũ và không chịu nổi sức ép chân chạy nên đã bật bung đế. Tuần sau là đến đợt khai mạc cuộc thi thể dục thể thao toàn trường, Huy cũng ghi danh trong cuộc thi này, nhưng đúng lúc này đôi giày lại bị hỏng.

Sức chịu đựng của Huy rất tốt, cậu cũng rất thích chạy bộ, cậu thường là người chạy nhanh nhất trong các học sinh cùng khóa. Cuộc thi lần này cậu mong chờ đã lâu, nhưng giờ đôi giày đã hỏng, trên người lại không có tiền, chẳng lẽ lại bỏ cuộc? Cậu chỉ có thể thở dài một tiếng: “Ước gì có một đôi giày”.

Ở khu phố này, mọi người đều biết Huy là đứa trẻ mồ côi hoàn cảnh khó khăn, do đó họ rất quan tâm đến cậu. Ăn cơm, cắt tóc, tắm rửa… các ông chủ chưa bao giờ lấy tiền của cậu.

Lúc này, Huy chạy đến tiệm giày duy nhất trong thị trấn, miệng ấp úng nói nguyện vọng của mình. Ông Tú, chủ tiệm giày mặt sạm lại nói: “Định tới lấy không đôi giày của ta sao? Không có chuyện đó đâu.”

cau-be-danh-giay1-1.jpg

Mặt Huy chợt đỏ bừng, tay nắm vạt áo và cảm thấy vô cùng xấu hổ, tiếc là không có kẽ nứt trên đất để chui xuống.

Một vị khách quen liền lên tiếng: “Ông chủ, đứa bé đáng thương như thế, ông cho cậu một đôi cũng coi như là làm việc thiện rồi.” Nghe thấy vậy Huy cảm động đến nước mắt chực trào ra, vẻ mặt đáng thương nhìn ông, Huy hy vọng ông có thể đổi ý.

Ông Tú lại trừng hai mắt nói: “Giày của ta là dùng tiền mua về đấy, sao lại cho không thằng bé này.”

Vị khách tức giận nói: “Đúng là hẹp hòi!” và quay đầu bước đi.

Ông Tú không hề động tâm chút nào. Huy liền cúi chào và quay đầu bước đi. Lúc vừa bước chân đến cửa, ông chủ bất ngờ mở miệng nói: “Cháu muốn lấy giầy cũng không phải là không có cách.”

Nghe thấy vậy, Huy liền dừng bước. Ông chủ nói: “Chỉ cần cháu ở lại đánh giày trong tiệm của ta 3 ngày công, vậy là có thể đủ đổi lấy một đôi giày rồi.”

Thật là may, ba ngày tới mình được nghỉ học nên dễ dàng đến làm công rồi.” Huy nghĩ vậy liền vui vẻ đáp: “Được ạ!”

Ba ngày sau đó, Huy bắt đầu đi làm công. Cậu giúp ông chủ lau lại kệ, phủi sạch bụi và lau sạch giày rồi sắp đặt lại cho ngay ngắn, đồng thời còn kiên nhẫn giúp khách thử giày.

Ông chủ nhập giày về, Huy lại chạy tới giúp đỡ dỡ hàng. Cậu làm việc quên cả vất vả, toàn thân đầy mồ hôi, lưng đau chân nhức nhưng trong lòng lại tràn đầy niềm vui của một người được làm việc.

Ba ngày trôi qua thật nhanh. Tối hôm đó, trước khi đóng cửa tiệm, ông chủ lấy ra một đôi giày thể thao mới tinh và nói với Huy: “Cho cháu này, đây là phần cháu xứng đáng được nhận đấy!” Huy ôm chặt đôi giày mới mà nghẹn ngào không nói nên lời.

Cuộc thi chạy lần đó, Huy đã cán đích đầu tiên và giành được giải quán quân. Trong lòng cậu biết rõ, nếu không có đôi giày trợ giúp thì cậu không thể giành giải thưởng lần này. Mà đôi giày này hoàn toàn nhờ lao động mà cậu có được. Cảm giác thật hạnh phúc khi được hưởng thành quả do chính bàn tay lao động mình làm ra.

Sau đó, Huy thi lên đại học, cậu không hề nhận sự giúp đỡ của người khác nữa. Cậu đi dạy thêm, làm thêm ngoài giờ, cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng kinh nghiệm sống thật phong phú.

Tốt nghiệp rồi, Huy cũng xin được công việc tốt, mặc dù bận rộn nhưng cậu không quên quê nhà. Hôm nay, cuối cùng cậu cũng đã trở lại thăm quê, vừa xuống xe cậu liền tìm tới tiệm giày của ông Tú.

Tiệm giày vẫn còn hoạt động, ông Tú đang ngồi đó, dáng vẻ ông gầy gò hơn và mái tóc đã nhuốm màu thời gian. Huy lấy ra một đôi giày mà cậu lưu giữ rất cẩn thận, mặc dù đã cũ nhưng vẫn rất sạch sẽ.

Ông chủ hỏi: “Cậu vẫn còn giữ lại đôi giày này?”

Huy nói: “Cháu cố ý giữ lại đó ạ. Chú à, cháu muốn hỏi một việc, năm đó vì sao chú lại giúp cháu ạ?”

Nghe câu hỏi này, ông Tú hơi bất ngờ nhưng rồi cười nói: “Chú từng giúp cháu sao?”

Huy nói: “Sau này cháu mới biết, đây là đôi giày hàng hiệu, giày chuyên dùng để chạy đua. Giá ít nhất cũng phải hơn một triệu đồng, cháu ở đây làm công việc vặt có 3 ngày thì được bao nhiêu tiền ạ? Có lẽ chú không cần đến người làm công việc giản đơn như thế, chỉ là muốn dùng cách đó để giúp cháu thôi. Chú, sao chú lại muốn giúp cháu như thế ạ?”

Ông Tú trầm mặc một lát rồi nói: “Được rồi! Chú sẽ nói thật cho cháu biết. Mấy năm trước, khi cháu đến tiệm giày nói ra nguyện vọng của mình, trong tâm chú thấy rất chua xót. Chú biết, nếu cháu cứ như vậy thì không thể trưởng thành được, bởi vì cháu sẽ thành quen dựa dẫm vào người khác, như vậy không hay. Thế nên chú mới để cháu đến làm công…”

Nghe xong, Huy đã gửi đến ông Tú lời cảm tạ: “Cảm ơn chú đã dạy cho cháu bài học về tự lập!”

Mặc dù câu chuyện trên đây rất ngắn nhưng nó khiến chúng ta phải suy ngẫm sâu sắc về cách chúng ta thực sự muốn giúp một người. Một chút giúp đỡ về vật chất có thể mang lại sự thoải mái tạm thời, tuy nhiên một bài học sâu sắc có thể khiến người ta nhớ mãi, thậm chí thay đổi cả cuộc đời của họ.

Theo San San/Đại Kỷ Nguyên

Comments are closed.