Người có tầm nhìn xa trông rộng sẽ bỏ cái lợi nhỏ, ngắn hạn trước mắt, mà đầu tư công sức, tiền của vào tương lai, rồi ắt có thành công lớn, thành quả lâu dài.
Người có thành công lớn là người có tâm nhẫn nại, quyết chí bền lòng. Ngoài ra, đó phải là người có lòng thiện lương, vì lợi ích cộng đồng, thì mới nhận được sự giúp đỡ góp sức của người khác. Nếu chỉ dựa vào quyết tâm sức lực cá nhân thì việc lớn cũng khó thành. Nếu việc chỉ lợi bản thân, thì cuối cùng cũng cáo chung bằng thất bại.
Nhưng cũng có người có tầm nhìn xa trông rộng, nhưng lại chỉ biết suy nghĩ, kế hoạch viển vông, cứ lần lữa lần lữa chẳng chờ đủ điều kiện, mãi chẳng bắt tay vào làm thì cũng chẳng làm nên công cán gì. Hành trình vạn dặm cũng bắt đầu bằng từng bước chân. Tích tiểu thành đại, tích đất thành núi, chẳng ai có thể một bước lên trời được. Thành công luôn được xây dựng từ những giọt mồ hôi, tâm huyết, là kết quả tích lũy công sức vất vả từng ngày, từng giờ.
Tầm nhìn quyết định tương lai, tầm nhìn cũng là thể hiện của trí tuệ, và cũng có thể bồi dưỡng gây dựng được, chỉ cần dám nghĩ và dám làm, dám chịu chấp nhận rủi ro.
Làm người thì tiêu chuẩn đầu tiên là nhân cách, mà điều quan trọng nhất của nhân cách lại chính là “tầm nhìn”. Bởi tầm nhìn quyết định nhân cách, nên cũng có thể nói, nhân cách quyết định số phận. Thêm vào đó, tất cả những người bạn từng gặp, cuốn sách bạn từng xem, con đường bạn từng đi, mỗi thứ đều có thể thành tựu nên tính cách của mỗi người.
Tầm nhìn quyết định nhân cách
Những người nhìn xa trông rộng, dám nghĩ dám làm đều có tư duy khoáng đạt, họ sẽ không vì những bất lợi của hoàn cảnh mà trở nên tự ti, cũng sẽ không vì khả năng còn thiết sót mà không chịu cầu tiến.
Người ta thường nói:“Dùng một năm để học nói, nhưng dùng một đời để học cách im lặng”. Có người chỉ vì chút lợi ích nhỏ nhoi nhưng lại sẵn sàng mở miệng mắng người. Đôi khi chỉ hai đồng bạc lẻ mua rau ngoài chợ cũng khiến họ khẩu chiến với nhau, và kết quả là dù thắng hay thua thì cả hai đều mua cái bực tức vào mình. Nhưng cũng có người, dù bị bạc đãi hay hiểu lầm như thế nào thì họ vẫn ung dung tự tại, thản nhiên, điềm tĩnh. Sự khác biệt ấy nằm ở nhân cách của mỗi người.
Có người đứng trên tầng hai nhìn xuống thì thấy toàn là rác. Nhưng lại có người, đứng trên tầng thứ 22 thì lại nhìn thấy quang cảnh của thành phố với đủ mọi sắc màu tươi đẹp.
Tầm cao khác nhau, tầm nhìn khác nhau, và tâm thái cũng khác nhau. Làm người cũng như thế, khi có một tầm nhìn đủ xa, một nhân cách đủ lớn thì cuộc đời ắt cũng sẽ đủ thản đãng thênh thang.
Ếch xanh ở đáy giếng nhìn thấy trời như cái nia, đại bàng vươn đôi cánh nhìn bầu trời bao la vô hạn. Mỗi một người đều phán đoán sự việc trong phạm vi tầm nhìn của riêng mình. Ếch xanh nhìn bầu trời chẳng qua cũng chỉ như cái miệng giếng. Tầm nhìn của nó quyết định phán đoán của nó, và cũng quyết định nhân cách của nó.
Một người chỉ có không ngừng rèn luyện ý chí, tu dưỡng nhân cách bản thân, ngày một hoàn thiện chính mình thì mới có thể cải thiện được vận mệnh. Mỗi người chúng ta gặp, mỗi quyển sách chúng ta xem, mỗi con đường chúng ta đi, đều đem lại cho chúng ta bài học, đều giúp chúng ta hình thành nhân cách. Vậy nên, hãy trân quý, hãy cảm ơn, hãy trân trọng tất cả những gì bạn gặp trong đời.
Làm việc, thắng ở nhân cách, thua tại ‘thông minh’
Trước khi làm việc, hãy làm người trước, nhân cách không ‘đạt’ thì sẽ chẳng bao giờ thành công, đây là đạo lý tự cổ chí kim. Một người dù có thông minh, nhanh nhẹn, tài giỏi, điều kiện gia đình có tốt đến đâu nhưng nếu không biết cách ‘làm người’, nhân cách kém vậy thì sự nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Năng lực rất quan trọng, nhưng có một thứ cũng quan trọng không kém năng lực, đó là nhân cách. Nhân cách là học lực cao nhất của đời người, là nền tảng của năng lực, là thương hiệu mà xã hội ngày nay đang thiếu rất nhiều. Nhân cách và năng lực, giống như tay trái và tay phải vậy.
Nhân cách tốt có thể thay đổi phong thủy xấu, nhưng nhân cách tồi sẽ làm hỏng phong thủy tốt, dù phong thủy có tốt tới đâu thì cũng không thể nào phát huy được tác dụng.
Mọi người luôn sẵn sàng kết giao với những người lương thiện, tử tế, bởi họ đem lại cho người khác cảm giác chân thật, yên tâm, và tin tưởng, các mối quan hệ tốt đẹp cũng từ đó mà xuất hiện. Nhân khí là tài khí, hữu nhân ắt hữu tài, có người đến ắt sẽ có tài lộc đến. Vì vậy, lương thiện chính là phúc, là sức mạnh lớn nhất của đạo làm người.
Chúng ta khi làm việc, cái để dựa vào là nhân cách, còn điều cấm kỵ nhất chính là tỏ vẻ ‘thông minh’, khôn lỏi, ranh vặt. Những người ranh vặt có thể thành công nhất thời, nhưng tới cuối cùng vẫn sẽ thất bại. Giống như một ngôi nhà, nó được tạo nên, được kiên cố là nhờ từng viên gạch từng viên ngói, nếu trong quá trình xây dựng rút chỗ này một ít, rút chỗ kia tẹo, vậy thì thử hỏi ngôi nhà đó có thể đứng vững được bao lâu.
Đọc sách hàng ngày, nâng cao khí chất
“Khí chất một người là do thiên bẩm, rất khó để thay đổi. Chỉ có đọc sách mới giúp con người thay đổi khí chất. Cổ nhân quý bởi tướng pháp, nhưng đọc sách cũng có thể thay đổi cốt tướng”.
Người luyện tập và người không luyện tập, sau một ngày nhìn không có sự khác biệt, sau một tháng nhìn có đôi chút khác, nhưng sau một năm đã hoàn toàn thay đổi. Người đọc sách cũng vậy, đạo lý là như nhau, người thường xuyên đọc sách thánh hiền với người không đọc sách, khí chất sẽ khác nhau.
Một người có thể đọc rất nhiều sách, nhưng sau rồi đều quên hết, cho nên có người nói đọc nhiều vậy có ích gì? Kỳ thực đọc sách cũng như ăn cơm vậy, hồi nhỏ có thể nếm qua rất nhiều đồ ăn, nhưng lớn rồi lại quên hết mùi vị của chúng, nhưng có một điều không thể phủ nhận là nó đã thấm vào máu thịt chúng ta, hoà vào làm một.
Một người hàng ngày chịu khó đọc sách, tích lũy tri thức, sự hiểu biết sớm đã hoà quyện vào tâm hồn của họ. Từ cách nghĩ, cách nhìn, cách đối đãi với mỗi một sự việc của họ cũng đã ngày càng thay đổi, chỉ có điều đôi khi chúng ta không nhận ra mà thôi.
Cũng như câu nói:“Đọc vạn cuốn sách, đi vạn con đường”. Một người muốn tiến bộ nhanh nhất thì chỉ có duy nhất một con đường, đó là không ngừng đọc sách, không ngừng học hỏi mới có thể thay đổi được cuộc đời của mình. Đương nhiên, thế gian không có cảnh nào là vĩnh cửu, con đường nào rồi cũng có sự đổi thay. Vậy nên mỗi con đường đều là tự mình phải đi, tự mình trải nghiệm để rồi đúc kết, để rồi tìm kiếm con đường cho riêng mình.
Sống biết cảm ơn
Cổ nhân thường nói:“Tướng tuỳ tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”. Một người mang tâm thái vui vẻ, lạc quan, thì nhìn đâu cũng thấy niềm vui và hy vọng. Người biết cảm ơn người khác, thì nhìn ai cũng thấy họ vì mình mà đến.
Gặp người yêu mình, học cách hồi đáp; gặp người mình yêu, học cách cho đi; gặp người mình hận, học cách tha thứ; gặp người hận mình, học cách xin lỗi.
Gặp người biết thưởng thức bạn, học cách dung nạp; gặp người bạn thưởng thức, học cách tán dương; gặp người không hiểu bạn, học cách câu thông; gặp người bạn không hiểu, học cách lý giải.
Có câu:“Triệu hạt mưa rơi, không có hạt nào rơi nhầm chỗ”. Những người ta gặp, những chuyện ta làm cũng lại như thế, chúng đều có nhân duyên của nó, không có gì là ngẫu nhiên, là tình cờ cả. Mỗi người ta gặp đều là người ta cần gặp, có người cho ta niềm vui, có người giúp ta thấy yêu đời, nhưng cũng có người cho ta nỗi buồn, cho ta thử thách chông gai để ta hiểu được thế gian và chân lý. Vậy nên hãy trân quý, hãy cảm ơn tất cả những người đi qua cuộc đời chúng ta.
ST