Bạn nhận được email này vì đã từng tham gia những sự kiện tại EVOL GROUP. Thấu hiểu mỗi chúng ta ai cũng cần những món quà tinh thần giúp cuộc sống này tốt đẹp hơn, dưới đây là món quà mà EVOL đã chuẩn bị để tặng Tiệp.
QUÊN QUẢN LÝ THỜI GIAN ĐI, 9 YẾU TỐ SAU MỚI THẬT SỰ GIÚP BẠN GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
“Tôi rất bận”. – Đã bao nhiêu lần bạn nghe ai đó nói câu này? Có lẽ với một giọng điệu mệt mỏi, nhưng đâu đó lại là dấu hiệu cho thấy vẻ tự hào vì “được bận rộn”? Còn bạn đã nói bao nhiêu lần rồi?
Trong thế giới bận rộn ngày nay, chúng ta đo lường tầm quan trọng của chính mình và những người xung quanh bằng khối lượng công việc hoàn thành trong ngày. Chúng ta luôn cố gắng làm tốt hơn, vượt trội hơn và (tỏ ra) bận rộn hơn. Có cảm giác như chúng ta đang ở giữa đại dịch bận rộn. Sự căng thẳng và áp lực của việc phải “bận rộn mới có năng suất” này thật sự dễ lây lan.
Vậy liệu có “thuốc giải” cho vấn đề này không? Vì không thể có nhiều hơn 24 giờ/ngày, hầu hết chúng ta chuyển sang quản lý thời gian sao cho hiệu quả. Nếu sử dụng thời gian hiệu quả, chúng ta có thể hoàn thành mọi việc và cảm thấy bớt căng thẳng hơn.
Chỉ có một vấn đề với lý thuyết đó: chúng ta đang sở hữu nhiều thời gian hơn bao giờ hết. Nhìn chung, người dân ở các nước phát triển thật sự đang làm việc ít hơn nhiều so với những thập kỷ trước. Hãy nhìn vào nước Mỹ: năm 1940, người dân làm việc trung bình 43,3 giờ/tuần. Năm 2016, con số này chỉ là 34,4 giờ. Tuy nhiên, chúng ta lại cảm thấy bận rộn hơn bao giờ hết.
Một lời giải thích được đưa ra: con người dành quá nhiều thời gian giải trí. Tờ The Atlantis gọi đây là “sự phong phú trớ trêu”. Bạn biết rằng có 10 chương trình truyền hình tuyệt vời nên xem, 9 cuốn sách quan trọng để đọc, 8 kỹ năng cần rèn luyện… Tất cả thúc đẩy một loại nghịch lý: việc tạo ra nhiều thời gian hơn cũng giống như kiếm được nhiều tiền hơn ‒ càng có nhiều, bạn càng muốn chi tiêu nhiều.
Thay vì cố quản lý thời gian, hãy tìm đến các hệ thống giúp bạn sử dụng thời gian có chủ đích hơn. Dưới đây là 9 yếu tố mà bạn nên tham khảo.
Xác định những thứ bạn đang hy sinh cho sự bận rộn
Trong khi xã hội ngày nay coi sự bận rộn là một đức tính tốt, nhà triết học Đan Mạch Søren Kierkegaard (thế kỷ 19) mô tả nó như một nỗi phiền não. “Một trong những điều nực cười nhất là bận rộn với thức ăn và công việc của mình… Tôi tự hỏi những người bận rộn này có hoàn thành công việc không?”.
Stephen Evans, giáo sư Triết học tại Đại học Baylor, nói với tạp chí Quartz: “Kierkegaard coi sự bận rộn như một phương tiện khiến bản thân xao lãng khỏi những câu hỏi thật sự quan trọng, chẳng hạn như bạn là ai và cuộc sống là gì. Những người bận rộn lấp đầy thời gian của mình, luôn tìm thấy thứ để làm nhưng lại không có nguyên tắc gì cho cuộc sống. Họ thật sự không nhìn ra được điều gì là quan trọng”.
Nói vậy không phải là mọi thứ bạn đang dành thời gian để làm đều vô nghĩa. Nhưng quán tính của sự bận rộn có thể khiến chúng ta đi đến một con đường rất khác so với dự định ban đầu. Bạn muốn hít thở không khí trong lành nhưng đã không có cơ hội đi dạo bên ngoài trong nhiều tháng? Bạn đề cao việc học nhưng không dành thời gian để thực hành một kỹ năng mới? Bạn quý trọng mối quan hệ với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp, nhưng quá bận để dành thời gian cho họ?
Đôi khi, bạn cần phải hy sinh một số thứ để tập trung cho những điều thật sự có ý nghĩa trong cuộc đời mình.
Chấp nhận rằng bạn không thể làm mọi thứ
Thay vì để hàng tá nhiệm vụ chưa hoàn thành chồng chất mỗi ngày, bạn chỉ cần thực hiện chúng. Cây bút cho tờ Guardian, Oliver Burkeman, từng đề cập về quyền tự do chấp nhận rằng bạn sẽ không hoàn thành mọi việc. “Bạn có thể chuyển sang câu hỏi dễ hơn: mình nên cố tình bỏ qua việc nào? Hãy bắt đầu từ giả định rằng phải loại bỏ một cái gì đó và tập trung tìm ra nó“.
Nếu bạn không thể quyết định bỏ việc nào, hãy cho phép mình ngừng chủ động lo lắng bằng cách chuyển sang chiến lược “Một ngày nào đó/Có thể”. Tức bạn vẫn sẽ giải quyết nó, nhưng không phải bây giờ. Bạn vẫn sẽ hoàn thành khối lượng công việc tương tự và cảm thấy tốt hơn rất nhiều về điều đó.
Làm từng việc một (kể cả những việc khó chịu)
Vì “bận rộn”, chúng ta càng ngày càng cố giải quyết nhiều việc cùng một lúc. Chúng ta trả lời email trong khi đi siêu thị, lướt internet trong khi ăn, nói chuyện điện thoại khi lái xe. Một nghiên cứu của Harvard trên 2.250 người trưởng thành cho thấy chúng ta chỉ dành phân nửa sự tập trung cho công việc. Tuy nhiên, một nghiên cứu cũng tiết lộ rằng con người hạnh phúc nhất khi tập trung vào những điều mình đang làm trong thời điểm hiện tại.
Bạn sẽ hạnh phúc hơn khi chỉ tập trung vào việc rửa bát so với khi vừa rửa vừa lên kế hoạch xem gì cho bữa tối hay giải quyết công việc ngày mai thế nào. Khi đang thuyết trình, đừng để mình vẩn vơ suy nghĩ về những điều nhỏ nhặt xảy ra vào hôm qua hay đống công việc còn tồn đọng. Hãy hít thở và tập trung sự chú ý của bạn vào một việc duy nhất.
Đầu tư vào những hành động sáng tạo vô thức
Vì thời gian là hữu hạn, chúng ta thường lấp đầy một ngày bằng những công việc cấp bách và có ích. Tuy nhiên, những hành động sáng tạo vô thức sẽ mang lại nhiều tác động tích cực hơn bạn nghĩ.
Nghiên cứu kéo dài 13 ngày trên 658 người trưởng thành đã phát hiện ra rằng những người tham gia vào hoạt động sáng tạo trong 1 ngày có nhiều khả năng trải nghiệm cảm xúc tích cực và “thăng hoa” hơn. Hãy dành thời gian để làm điều gì đó sáng tạo, bạn sẽ bất ngờ vì lợi ích của nó. Học nấu một món mới, viết nhật ký hoặc thử thách bản thân bằng những câu hỏi tư duy. Khi thoát khỏi sự bận rộn trong một lúc, bạn sẽ gợi mở được nhiều ý tưởng sáng tạo hơn.
Đọc một cuốn sách chất lượng
Ngay cả những người yêu sách cũng dễ trở thành con mồi của nhiều trò tiêu khiển trên internet. Nhà văn, doanh nhân và nhà công nghệ văn học Hugh McGuire thừa nhận “chết chìm trong một cơn lũ thông tin kỹ thuật số dễ dàng”. Mặc dù đã xây dựng sự nghiệp nhờ sách, McGuire nhận ra rằng anh chỉ đọc 12 cuốn trong năm qua. Đó là lúc anh ấy quyết định mình cần thay đổi. Bây giờ khi về nhà vào buổi tối, anh ấy cất điện thoại và máy tính xách tay, sau đó đọc một cuốn sách.
Thay vì cố gắng cập nhật tất cả nội dung trên internet một cách vô ích, hãy dành thời gian cho các hình thức tiêu thụ thông tin chậm hơn. Sách là lựa chọn không bao giờ lỗi thời mà vẫn luôn hiệu quả.
Thắt chặt quan hệ bạn bè trong cuộc sống thực
Trên mạng xã hội chứa đầy các câu chuyện về những người có vẻ hạnh phúc, thành công và viên mãn hơn chúng ta. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc xuất hiện trên mạng xã hội có thể gây căng thẳng. Chính Facebook cũng đã thừa nhận việc lướt qua các bài đăng một cách thụ động khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ hơn.
Trong khi đó, tình bạn thật sự sẽ mang lại sự hỗ trợ tinh thần, giúp ta vững vàng trước những áp lực hằng ngày trong cuộc sống. Khi được bạn bè, người thân động viên, mức cortisol và huyết áp (hai chỉ số sinh lý chính của căng thẳng) sẽ giảm. Thay vì bận rộn dành thời gian cho những người mà bạn còn chẳng quen biết trên mạng, hãy quan tâm đến những người thật sự yêu thương mình.
Cống hiến thời gian cho cộng đồng
Căng thẳng và bận rộn luôn có cách khiến chúng ta đi chệch hướng. Thật khó để quan tâm đến người khác khi bạn còn không thể dành thời gian cho bản thân. Tuy nhiên, ít nhất một nghiên cứu cho thấy rằng, khi dành thời gian cùng người khác, bạn sẽ cảm thấy mình sở hữu nhiều thời gian rảnh hơn.
Giáo sư Kinh doanh của Wharton, Cassie Mogilner giải thích: “Họ cảm thấy đã hoàn thành một điều gì đó có ích. Từ đó, niềm tin mình có thể hoàn thành nhiều việc hơn nữa trong tương lai được hình thành. Sự hiệu quả này khiến họ cảm thấy thời gian như được nới rộng ra”.
Dù nghe mâu thuẫn, nhưng khi tham gia tình nguyện, giúp đỡ người khác, bạn sẽ cảm thấy thời gian đó có ý nghĩa và dường như dài hơn rất nhiều.
Dành 15 phút ngoài trời
Sự căng thẳng ngày càng gia tăng của chúng ta có tương quan chặt chẽ với lối sống ít vận động. Theo một khảo sát của Cơ quan Bảo vệ Môi trường, người Mỹ trung bình dành 93% thời gian ở trong nhà (87% trong các tòa nhà kín và 6% trong các phương tiện kín). Việc dành thời gian ở ngoài trời đã được chứng minh là có tác động tích cực đối với hệ thần kinh.
Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Chiba, Nhật Bản cho thấy những người dành 15 phút đi bộ trong rừng có các dấu hiệu căng thẳng sinh lý giảm đáng kể: giảm 16% hormone căng thẳng cortisol, 2% huyết áp và 4% nhịp tim.
Có cách nào để hòa mình vào thiên nhiên mỗi ngày không? Hãy thử đi bộ 15 phút vào buổi sáng. Đậu xe ở xa văn phòng một chút. Ra ngoài ăn trong giờ nghỉ trưa. Đó là một số gợi ý mà bạn có thể áp dụng.
Tạo không gian cho sự tĩnh lặng và đơn độc
Trong một thế giới được kết nối liên tục, chúng ta gần như không bao giờ dành thời gian cho những suy nghĩ của riêng mình. Nhà văn chuyên viết về du lịch Pico Iyer gợi ý một “liều thuốc” mà ít người cân nhắc: không đi đâu và không làm gì cả.
Trong bài TED có tựa đề Nghệ thuật tĩnh lặng (The Art of Stillness), Iyer mô tả “ngồi yên là một cách để yêu thế giới và mọi vật trong đó”. “Tôi nghĩ rằng nhiều người trong chúng ta có cảm giác mình đang đứng cách một màn hình lớn ồn ào, đông đúc và thay đổi theo từng giây. Màn hình đó chính là cuộc sống của chúng ta. Bằng cách lùi lại xa hơn và đứng yên quan sát, chúng ta có thể bắt đầu thấy ý nghĩa của bức tranh và nắm bắt được nhiều câu chuyện lớn hơn”.
Sẽ là quá đáng nếu bạn hoàn toàn không quan tâm đến sự bận rộn của mình, nhưng hãy tỉnh táo để phân tích đâu mới là thứ cần hoàn thành trước. Thời gian của chúng ta là hữu hạn. Thay vì cố quản lý thời gian, hãy cho phép mình sống chậm lại và thưởng thức nó.
Nguồn tham khảo: blog.doist