Nâng cao năng lực với 5 thói quen bồi đắp tư duy – Nhân Cách Việt Đào tạo THÁI ĐỘ SỐNG, KỸ NĂNG SỐNG cho Thanh Thiếu Niên

Nâng cao năng lực với 5 thói quen bồi đắp tư duy

Gốc rễ của vấn đề của bạn
16 Tháng bảy, 2024
Theo dõi, theo dõi, theo dõi…
18 Tháng bảy, 2024

Nâng cao năng lực với 5 thói quen bồi đắp tư duy

Trong bài viết trước, mình đã nói về 2 loại tư duy đối lập nhau, có khả năng chi phối lớn đến cuộc sống của bạn, là tư duy cố định và tư duy phát triển. Giữa một bên là thứ sẽ cản trở bạn và một bên giúp bạn vươn lên. Tư duy phát triển hẳn là một lựa chọn mọi người đều muốn hướng tới.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ không ở trong trạng thái “có” hoặc “không có” tư duy phát triển, mà nó là một quá trình liên tục nhận thức, nhắc nhở và điều chỉnh hành động. Có trường hợp bạn có tư duy phát triển ở giai đoạn sớm của sự nghiệp, nhưng khi bắt đầu đạt được thành tích, địa vị thì lại dần bị mất đi lối tư duy này, nhường chỗ cho tư duy cố định.

Đây là một điều nguy hiểm khiến cho sự nghiệp của bạn dậm chân tại chỗ và có thể bị thay thế trong tương lai. Vì thế, tư duy phát triển cũng cần được phát triển đi kèm với các bộ thói quen để không ngừng được bồi đắp.

Dưới đây sẽ là 5 thói quen mình đã xây dựng để củng cố tư duy phát triển của mình trong gần 20 năm qua.

1. Nhận thức trung thực về năng lực hiện tại

Nhận thức trung thực có nghĩa là bạn phải đối mặt với cả điều tốt và điều chưa tốt về bản thân, đồng thời học hỏi từ chúng.

Ở đây nhiều người thường rơi vào một cái bẫy nguy hiểm là họ thừa nhận năng lực, những điểm yếu của mình nhưng chỉ dùng nó để an ủi bản thân. Họ nghĩ rằng “Mình không cần phải thay đổi gì cả, mình đã ổn rồi.”

Một cách đơn giản để vượt qua cái bẫy này là luôn đặt câu hỏi “So what?” (Rồi sao nữa?). Nhận thức rằng mình không giỏi một lĩnh vực nào đó không phải để an ủi, mà là để phát triển. Hoặc có thể bạn sẽ cần một chút an ủi, nhưng sau đó hãy nghĩ về cách bạn có thể cải thiện điểm yếu và tận dụng tối đa điểm mạnh của mình.

Bạn có thể không phải là người nhanh nhẹn nhất, nhưng lại có thể làm việc chăm chỉ và kiên trì. Bạn có thể không phải là người giỏi giao tiếp nhất, nhưng lại có thể học hỏi và luyện tập để cải thiện kỹ năng đó. Điều quan trọng là không chỉ dừng lại ở việc chấp nhận, mà còn là tìm cách để phát triển và vươn lên.

2. Tập cảm thấy bình thường với sự chán chường

Thói quen này nghe có vẻ lạ, nhưng thực sự rất quan trọng. Bởi có những việc bạn sẽ thấy không hề thú vị, nhưng chúng lại tạo nên giá trị lâu dài. Đây là điểm mấu chốt để duy trì được thói quen số 2 này. Mỗi khi bạn cảm thấy chán, hãy nhớ đến lý do tại sao bạn bắt đầu, bạn muốn theo đuổi và đạt được giá trị gì.

Bạn hãy cố gắng tách cảm xúc bộc phát nhất thời ra khỏi quá trình và tập trung vào mục tiêu dài hạn. Nhớ rằng, sự chán chường chỉ là một phần tự nhiên trong quá trình phát triển. Cái quan trọng là bạn vẫn đang tiến từng bước về phía “vạch đích” mình lựa chọn.

Có thể đoạn này bạn sẽ thấy kỳ, vì người ta hay có câu: “Mình còn trẻ cái gì vui vẻ thì mình ưu tiên”. Tại sao phải chọn lấy những việc chán chường trong khi còn bao nhiêu trò vui ngoài kia? Nhưng thực tế không phải lúc nào cuộc sống cũng vui vẻ và thú vị. Như việc tập gym có mệt mỏi đấy nhưng tới lúc đạt được kết quả là một thân hình cân đối thì lại rất vui. Vượt qua được những lúc chán chường sẽ giúp bạn xây dựng tính bền bỉ.

Tuy nhiên cần lưu ý, việc cảm thấy bình thường với sự chán chường không phải là bỏ qua cảm xúc, mà là học cách đối mặt và quản lý chúng. Nếu không quen với việc xử lý những cảm xúc không thoải mái, bạn có thể thử ghi chép nhật ký, sử dụng các ứng dụng check-in cảm xúc,… Có lẽ trong tương lai mình sẽ nói chi tiết hơn về kỹ năng xử lý cảm xúc (emotion handling), đây cũng là kỹ năng tương đối quan trọng.

3. Học cách “chọn bạn cùng chơi, tạo nơi phát triển”

Càng thành công, bạn càng dễ gặp người khen ngợi và nịnh bợ. Nhưng đừng quên, không cần phải đợi đến khi thành công bạn mới gặp những lời khen giả tạo. Ngay từ bây giờ, bạn cũng nên cẩn thận với chúng. Vì đôi khi cách tốt nhất để hủy hoại một người không phải là liên tục vùi dập họ bằng những lời miệt thị, mà là không ngừng khen ngợi họ bởi những điều không có thật.

Vì vậy, hãy học cách nhận biết giữa người ủng hộ (supporters) và người chỉ chúc mừng (congratulators). Người ủng hộ sẽ luôn ở bên bạn, cả khi bạn ở đỉnh cao nhất và khi bạn rơi vào vực thẳm. Họ không chỉ có mặt khi bạn thành công để chúc mừng, mà còn sẵn sàng giúp đỡ khi bạn gặp khó khăn.

Những người này không ngại chỉ ra điểm yếu và giúp bạn thấy rõ những sai lầm, dù đôi khi những lời góp ý đó làm bạn cảm thấy không thoải mái. Nhưng chính nhờ những lời góp ý này, bạn mới có thể cải thiện và phát triển.

Bạn cũng nên phân biệt thêm giữa người góp ý với người chỉ trích. Người góp ý cải thiện là những người thực sự quan tâm đến sự phát triển của bạn. Họ sẽ chỉ ra những điều bạn cần cải thiện và giúp bạn tìm cách khắc phục. Ngược lại, người chỉ trích cá nhân thường chỉ chăm chăm vào lỗi lầm của bạn mà không đưa ra giải pháp nào. Họ không giúp bạn tốt lên, mà chỉ làm bạn cảm thấy tồi tệ hơn.

alt
Nguồn: Pexels

Do đó, hãy xây dựng một môi trường phát triển với những người ủng hộ và góp ý cải thiện. Tránh xa những ai chỉ biết chúc mừng khi bạn thành công và chỉ trích khi bạn thất bại. Bằng cách này, bạn sẽ tạo được một hệ thống hỗ trợ vững chắc, giúp bạn phát triển và đạt được những mục tiêu lớn trong cuộc sống.

4. Thách thức giới hạn và mở rộng vùng an toàn

Để áp dụng thói quen này vào cuộc sống hàng ngày, hãy kiểm tra chiều rộng và chiều sâu của các khía cạnh trong cuộc sống của bạn. Hãy hỏi bản thân: Bạn đang dừng lại ở đâu? Có điều gì bạn có thể làm để mở rộng hiểu biết và khả năng của mình? Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, học một kỹ năng mới, dù chỉ là một chút mỗi ngày, cũng sẽ dần dần tạo nên bước tiến lớn.

Ví dụ, nếu bạn thấy mình đã giỏi một lĩnh vực nào đó, hãy thử thách bản thân học thêm một khía cạnh mới cũng trong lĩnh vực đó. Hay bạn quen đọc sách về một chủ đề, hãy thử đọc một chủ đề hoàn toàn mới. Mỗi lần bạn mở rộng vùng an toàn, bạn đang mở rộng giới hạn của mình và tạo cơ hội cho sự phát triển.

Nhưng dĩ nhiên cố quá sẽ gây ra phản ứng ngược, thách thức giới hạn không phải là ép bản thân đến kiệt sức, mà là tìm kiếm những cơ hội để học hỏi và phát triển một cách bền vững. Nếu muốn biết cách mở rộng vùng an toàn, bạn có thể đọc thêm bài viết “Tư duy “quá tải luỹ tiến” và nghệ thuật từ từ phát triển”

5. Liên tục “bào mòn cái tôi”

Có không ít người, sau khi thành thạo một số kỹ năng, họ cảm thấy đủ và dừng cập nhật kiến thức. Cho phép mình thư giãn, không cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Những người như vậy giống như bị mắc kẹt trong một chiếc “kén thông tin”.

Nhà tâm lý học Cass Sunstein đã đưa ra khái niệm này để mô tả những người chặn đứng hoàn toàn những thông tin bên ngoài và chỉ chấp nhận một quan điểm duy nhất. Họ ngày càng quấn mình chặt hơn trong chiếc kén ấy, với cái tôi nuôi dưỡng bên trong ngày càng cao, để rồi cuối cùng bị mắc kẹt trong chính cái kén ấy, không thể tiến xa hơn.

alt
Nguồn: Pexels

Cái tôi cao sẽ khiến khả năng lắng nghe, tiếp nhận đóng góp và phê bình từ người khác bị giảm sút. Vậy làm thế nào để kiểm soát và “bào mòn” cái tôi? Đây là một vài mẹo nhỏ của mình:

  • Tự nhắc mình câu nói của Socrates: “Tôi chỉ biết một điều, đó là tôi không biết gì cả.” Đây là sự thừa nhận tương lai là điều chưa biết, chúng ta luôn cần giữ cho mình một tâm trí mở và khiêm tốn. Mình luôn tự nhắc nhở “tôi không biết cái tôi không biết, và còn rất nhiều cái tôi không biết ngoài kia”, thậm chí cả những cái tôi nghĩ là tôi biết, thì cũng chưa chắc là nó đúng.
  • Chủ động tránh xa những cuộc tranh cãi chỉ để chứng tỏ đúng-sai. Thay vào đó, tập trung vào các cuộc thảo luận đi tìm sự thật khách quan và thông qua đó học hỏi thêm từ quan điểm của những người trưởng thành về tư duy.
  • Học cách công nhận người khác. Nếu bạn không nhìn thấy và công nhận phẩm chất tốt đẹp ở người khác, làm thế nào bạn có được phẩm chất đó bên trong mình? Dù là ai, cũng sẽ có những điểm sáng để chúng ta công nhận.
  • Kiềm chế việc đưa ra lời khuyên khi không cần thiết, và khi cho lời khuyên, hãy chắc chắn rằng nó mang tính xây dựng.
  • Mỗi năm nên đọc ít nhất một lần cuốn sách “Tâm lý học thành công” của giáo sư Carol Dweck. Trong cuốn sách này, giáo sư đã viết về tư duy phát triển trong nhiều khía cạnh khác nhau, từ bản thân, môi trường, công việc, các môi quan hệ và cả nuôi dạy con nữa. Thế nên ở mỗi thời điểm, dù bạn có những mối quan tâm khác nhau, cuốn sách này vẫn có giá trị với bạn.

Bào mòn cái tôi sẽ không phải là quá trình bào mòn đi sự tự tin, mà trái lại là xây dựng một tinh thần khiêm tốn, mở rộng tầm nhìn và sẵn sàng học hỏi từ mọi người xung quanh. Đó mới là sự tự tin thực chất và bền vững.

Suy nghĩ cuối

Đây là một bộ câu hỏi câu hỏi để bạn định kỳ mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm tự soi chiếu lại trạng thái tư duy của chính mình:

  • Bạn có cảm thấy rằng mình chỉ giỏi ở một số kỹ năng/lĩnh vực nhất định và không thể thay đổi điều đó không?
  • Khi nhận được phản hồi tiêu cực về một kỹ năng bạn tự tin, bạn có xem xét phản hồi đó một cách nghiêm túc để cải thiện không?
  • Khi đối mặt với một vấn đề phức tạp, bạn có sẵn lòng đầu tư thời gian và công sức để tìm ra giải pháp thay vì từ bỏ không?
  • Bạn có thường xuyên tìm kiếm cơ hội để phát triển những kỹ năng mà bạn cảm thấy mình yếu kém không?
  • Bạn có thường xuyên đặt mục tiêu cao hơn sau khi đạt được một thành công không?
  • Khi phải làm việc nhóm với những người có quan điểm khác biệt, bạn có sẵn sàng lắng nghe và học hỏi từ quan điểm của họ không?
  • Bạn có thường xuyên tìm kiếm những phản hồi chân thành và xây dựng từ người khác để cải thiện bản thân không?
  • Khi gặp phải một tình huống không mong muốn, bạn có thể nhìn nhận lại và tìm ra những bài học quý giá từ tình huống đó không?

Emily Dickinson từng nói: “Vì không biết khi nào bình minh sẽ đến, nên tôi mở mọi cánh cửa.”

Như khi nhân loại phát hiện ra không gian vũ trụ bên ngoài Trái Đất, và mở ra kỷ nguyên khám phá vũ trụ, chúng ta hoàn toàn không thể dự đoán được điều gì ngoài kia đang chờ đợi loài người. Hành trình phát triển bản thân cũng như vậy. Cho dù đó là những đột phá về nhận thức, những thách thức trong sự nghiệp hay những thay đổi khác nhau trong cuộc sống, chúng đều là những vùng đất mới đầy thử thách mà bạn cần phải đối mặt.

Chúc cho bạn có được sự dũng cảm bạn cần, để giữ cho tư duy phát triển bên trong bạn không bị mất đi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *