CÁCH TÍNH ĐIỂM HÒA VỐN TRONG KINH DOANH – Nhân Cách Việt Đào tạo THÁI ĐỘ SỐNG, KỸ NĂNG SỐNG cho Thanh Thiếu Niên

CÁCH TÍNH ĐIỂM HÒA VỐN TRONG KINH DOANH

Kế hoạch marketing tổng thể
8 Tháng mười hai, 2022
Chiến Lược Marketing Mix – Hành Trình “Tiếp Nối” Thành Công
11 Tháng mười hai, 2022

CÁCH TÍNH ĐIỂM HÒA VỐN TRONG KINH DOANH

Điểm hòa vốn là gì?

Có thể nói, đây là một thuật ngữ phổ biến, được sử dụng nhiều trong kinh doanh để phân tích, đồng thời để đánh giá tiềm năng phát triển của một doanh nghiệp. NHÂN CÁCH VIỆT  xin chia sẻ cho bạn những thông tin đầy đủ về điểm hòa vốn để các bạn hiểu được khái niệm và cách tính điểm hòa vốn trong kinh doanh.

Điểm hòa vốn là gì?

Điểm hòa vốn (BEP) – Break Even Point là điểm mà tại đó, doanh thu của dự án vừa đủ để trang trải các khoản chi phí bỏ ra để thực hiện dự án. Thêm vào đó, điểm hòa vốn có thể được phản ánh theo đơn vị hiện vật (sản lượng) hoặc giá trị (doanh thu).

Tùy trường hợp, tại điểm hòa vốn, doanh nghiệp không thu được bất cứ lợi nhuận nào, nhưng Doanh nghiệp cũng không bị thua lỗ.

Ý nghĩa điểm hòa vốn

Tính toán điểm hòa vốn của một công ty đã được chứng minh là một công cụ đơn giản nhưng mang tính định lượng cao đối với các nhà quản lý.

Phân tích hòa vốn tạo điều kiện cho cái nhìn sâu sắc về thực tế doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ có kết hợp khả năng trang trải chi phí sản xuất sản phẩm hoặc dịch vụ đó hay không.

Điểm hòa vốn cũng hữu ích đối với các nhà quản lý vì thông tin được cung cấp có thể được sử dụng để đưa ra các quyết định quan trọng trong kinh doanh, ví dụ như chuẩn bị giá thầu cạnh tranh, định giá và đăng ký vay.

Phân tích hòa vốn là một công cụ đơn giản xác định số lượng bán hàng thấp nhất sẽ bao gồm cả chi phí biến đổi và cố định, tạo điều kiện cho các nhà quản lý có cơ sở để đánh giá và đưa ra các quyết định trong tương lai.

Phân tích điểm hòa vốn rất hữu ích trong việc nhận biết mức độ phù hợp của chi phí cố định và chi phí biến đổi. Chi phí cố định ít hơn so với lượng nhân sự và thiết bị được sử dụng linh hoạt hơn, dẫn đến điểm hòa vốn thấp hơn. Từ đó, người quản lý sẽ tối ưu lại được chi phí để sản xuất sản phẩm, dịch vụ.

Phân loại điểm hòa vốn

Tương tự như các tiêu chí khác dành cho doanh nghiệp, điểm hòa được phân ra làm hai loại: điểm hòa vốn kinh tế và điểm hòa vốn tài chính. Ngoài ra, điểm hòa vốn cũng liên quan đến một số những thuật ngữ khác mà bạn cần xác định như: chi phí cố định, chi phí biến đổi,…

Điểm hòa vốn kinh tế (Điểm hòa vốn trước lãi vay)

Điểm hòa vốn kinh tế: là điểm mà tại đó doanh thu của doanh nghiệp là tổng chi phí sản xuất kinh doanh. Trong chi phí sản xuất kinh doanh bao gồm tổng chi phí biến đổi và chi phí cố định kinh doanh (chưa tính đến lãi vay vốn mà doanh nghiệp cần trả).

Điểm hòa vốn tài chính (Điểm hòa vốn sau lãi vay)

Điểm hòa vốn tài chính: Là điểm tại đó doanh thu bán hàng bằng tổng chi phí đã bao gồm lãi vay phải trả trong kỳ. Tại điểm hoà vốn tài chính lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp bằng không.

Tại cả 2 điểm hòa vốn, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đều bằng 0.

Cách tính điểm hòa vốn trong kinh doanh

Khi mở tiệm, cửa hàng kinh doanh mà bạn không nắm rõ điểm hòa vốn để có kế hoạch, mục tiêu tháng, ngày thì xem như bạn giống như một người nhảy xuống hồ nước bơi mà không biết điểm đến ở đâu. Dưới đây là cách tính điểm hòa vốn trong kinh doanh theo cách tính đơn giản nhất mà bạn không cần phải là chuyên gia tài chính.

 

Trước tiên bạn cần có chính xác 3 số liệu gồm: Định phí, biến phí, lợi nhuận trên 1 đơn vị sản phẩm hay dịch vụ.

Định phí hàng tháng

Là các chi phí cố định hàng tháng dù bạn có bán được sản phẩm hay không bạn vẫn phải chi.

Ví dụ như: Thuê mặt bằng, lương nhân viên, điện nước, thuê kho bãi, thuê xe, dịch vụ bảo vệ, rác, PCCC,…

Biến phí hàng tháng

Là các khoảng chi phí biến đổi theo số lượng sản phẩm dịch vụ tiêu thụ trung bình hàng tháng. Có thể hiểu bao gồm: phí hủy hàng, khấu hao tài sản, khấu hao sản phẩm, khuyến mãi, hoa hồng cho bên thứ 3, marketing… Nói chung biến phí này bạn có thể chủ động thay đổi hàng tháng, ngược lại Định phí bạn không thể thay đổi. Bạn có thể gộp chung 2 cái này nếu biến phí hàng tháng của bạn duy trì ổn định. Chú ý là phần biến phí này không tính giá cốt sản phẩm vì tôi sẽ đưa nó vào mục số 3.

Lợi nhuận trên 1 dịch vụ

Lợi nhuận trên 1 dịch vụ = giá bán – giá gốc (chi phí sản phẩm DV) – hoa hồng nhân viên (nếu có)

Sau khi có 3 thông số này bạn chỉ cần làm theo công thức tính điểm hòa vốn sau:
Điểm hòa vốn = (Định phí + Biến phí)/LN 1 dịch vụ

Ví dụ: 1 Spa thực hiện nhiều gói sản phẩm khác nhau, tỷ lệ bán ra các sản phẩm này cũng tương đương nhau.

  1. Lợi nhuận trung bình là 500.000 đồng/gói dịch vụ (Giá cốt là 200k, giá bán 700k)
  2. Định phí là 64.000.000
  3. Biến phí 38.000.000

Vậy điểm hòa vốn = 64.000.000 + 38.000.000/500.000 = 204

Vậy mỗi tháng bạn phải bán ra được 204 gói dịch vụ. Trung bình 1 ngày bạn phải bán là 204/30 = 6,8 dịch vụ (làm tròn 7 gói DV). Bạn hãy làm phép tính lại thử xem đúng không nhé.

(1) Doanh thu 204 gói DV x 700.000 = 142.800.000 đồng
(2) Định phí: 64.000.000
(3) Biến phí: 38.000.000
(4) Giá gốc SPDV: 204 x 200.000 = 40.800.000
(5) Điểm hòa vốn = (1) – (2) – (3) – (4) = 142,8 tr – 64 tr – 38 tr – 40,8 tr = 0

Vậy cứ mổi ngày mà bạn kinh doanh không bán ra được 6,8 gói dịch vụ này xem như bạn ăn không ngon ngủ không yên rồi. Nếu biết cách tính này bạn có thể biết được khả năng lãi hay lỗ trong từng ngày chứ không nhất thiêt đến cuối tháng mới biết lời lỗ. Từ điều này bạn sẽ có kế hoạch thay đổi chiến lược tốt hơn.

Bạn có thể từ điểm hòa vốn này mà thiết lập mục tiêu lợi nhuận mong muốn hàng tháng là bao nhiêu. Ví dụ trường hợp trên bạn muốn 1 tháng lãi 50 triệu thì công thức như sau:

Số DV mục tiêu = (Định phí + Biến phí + 50 triệu)/500.000 = 304. Vậy mỗi tháng bạn phải bán ra 304 gói dịch vụ tương đương 1 ngày phải bán ra 10,1 gói. Nếu thấp hơn số này xem như không đạt chỉ tiêu, vượt số này xem như lãi vượt mong đợi.

Sẽ có nhiều ngành kinh doanh khác nhau và tỷ lệ lợi nhuận hoa hồng khác nhau. Trên đây chỉ là 1 ví dụ cơ bản của 1 gói dịch vụ hay 1 sản phẩm cụ thể. Nếu có quá nhiều thì cứ tính mức trung bình lợi nhuận. Nếu bạn là cửa hàng tiện ích hay tạp hóa thì bạn có thể tính LN là tỷ lệ trung bình % trên sản phẩm.

Ngoài ra từ cách tính điểm hòa vốn, các bạn có thể tính đến việc tuyển dụng bao nhiêu nhân viên sales và chỉ tiêu giao cho họ là bao nhiêu.

Ưu điểm & hạn chế của phân tích điểm hòa vốn

Ưu điểm của phân tích điểm hòa vốn

Việc phân tích điểm hoà vốn được sử dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nó có một số ứng dụng quan trọng sau:

  • Dùng để đánh giá lợi nhuận, chi phí của một dự án, một doanh nghiệp.
  • Được sử dụng trong việc lựa chọn phương án sản xuất đầu tư.
  • Có thể sử dụng trong sự phân tích rủi ro của doanh nghiệp hay một dự án đầu tư.

Hạn chế của phân tích điểm hòa vốn

Qua việc phân tích điểm hoà vốn, ta thấy để việc phân tích chi phí trong mối quan hệ với sản lượng, lợi nhuận thực hiện được thì các điều kiện sau phải được thoả mãn:

  • Biến thiên của chi phí và thu nhập phải tuyến tính.
  • Hầu hết các kết cấu của chi phí đều rất phức tạp và bao gồm nhiều khoản mục không thể phân chia một cách chính xác và cụ thể thành định phí và biến phí. Bởi vậy rất khó khăn khi phân tích điểm hoà vốn với kết cấu chi phí phức tạp và việc phân chia chỉ là tương đối.
  • Trong thực tế rất ít doanh nghiệp chỉ sản xuất một loại sản phẩm mà sản xuất nhiều loại. Do đó muốn phân tích phải quy đổi các sản phẩm khác nhau thành một loại sản phẩm chuẩn duy nhất mà việc này thì rất khó khăn và chỉ mang tính tương đối.
  • Phân tích hoà vốn không quan tâm đến giá trị tiền tệ theo thời gian cho nên kết quả đặc biệt sai lệch trong trường hợp có lạm phát cao. Như vậy ở các doanh nghiệp có tỷ lệ định phí cao hơn biến phí trong tổng chi phí thì độ lớn đòn bẩy kinh doanh sẽ lớn và ngược lại. Điều này cũng có nghĩa doanh nghiệp có đòn bẩy kinh doanh lớn thì tỷ lệ định phí trong tổng chi phí lớn hơn biến phí, do đó lợi nhuận sẽ rất nhạy cảm với thị trường khi doanh thu biến động, bất kỳ sự biến động nhỏ nào của doanh thu cũng tạo ra sự biến động lớn về lợi nhuận. Do vậy khi doanh thu vượt qua điểm hoà vốn thì chỉ cần tăng một tỷ lệ nhỏ về doanh thu sẽ có tác động làm tăng tỷ lệ lớn về lợi nhuận.

Hy vọng bài viết “Cách tính điểm hòa vốn trong kinh doanh” này sẽ giúp ích bạn trong quá trình bắt đầu khởi sự kinh doanh. Chúc bạn thành công trong dự án sắp tới của mình.

Comments are closed.