SẼ RA SAO NẾU SUY NGHĨ NHIỀU THẬT SỰ CÓ ÍCH? – Nhân Cách Việt Đào tạo THÁI ĐỘ SỐNG, KỸ NĂNG SỐNG cho Thanh Thiếu Niên

SẼ RA SAO NẾU SUY NGHĨ NHIỀU THẬT SỰ CÓ ÍCH?

Con đường đơn giản để bạn thay đổi khi không hài lòng với cuộc sống của mình
12 Tháng bảy, 2021
Quên quản lý thời gian đi, 9 yếu tố sau mới thật sự giúp bạn giải quyết vấn đề
29 Tháng bảy, 2021

SẼ RA SAO NẾU SUY NGHĨ NHIỀU THẬT SỰ CÓ ÍCH?

Nếu lên Google tìm kiếm, bạn không khó để bắt gặp những bài viết như thế này:
– “7 dấu hiệu cho thấy bạn là người suy nghĩ quá kỹ”.
– “13 chiến lược để ngừng suy nghĩ quá nhiều”.
– “9 mẹo để vượt qua thói quen suy nghĩ quá mức”.

Là một người có xu hướng suy nghĩ nhiều, tôi bắt đầu đặt câu hỏi về tính hiệu quả của tất cả những lời khuyên tốt đẹp này. Nếu việc dừng lại dễ dàng như vậy thì sao vẫn còn quá nhiều người phải đấu tranh với những suy nghĩ của mình? Tôi không thể ngừng tự hỏi liệu chúng ta có đang nhìn nhận quá tiêu cực hay không. Nếu suy nghĩ quá mức, vốn là một phần bản chất con người, thật sự có lợi thì sao? Vì nếu không có ích thì nó đã được loại bỏ trong quá trình tiến hóa rồi.

👉 Suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định cho cuộc đời
Từ lâu, tôi đã nhận thức được mình là người suy nghĩ nhiều. Điều này có ích ở trường học và nơi làm việc, vì tôi đã được công nhận về khả năng phân tích nghiêm túc của mình.
Tuy nhiên, khi nói đến những vấn đề cá nhân như gia đình, các mối quan hệ hoặc sự nghiệp, khả năng suy nghĩ sâu sắc này của tôi bị coi là thận trọng quá mức. Vài năm trở lại đây, tôi phải đối mặt với một cuộc hôn nhân thất bại và một công việc mới đầy thử thách cùng lúc. Giữa những căng thẳng và áp lực đó, tôi không ngừng suy nghĩ về điều đang xảy ra và thứ tôi có thể làm.
Tôi muốn kết thúc cuộc hôn nhân ‒ nhưng còn con cái, cam kết tài chính, gia đình gắn bó thân thiết của chúng tôi thì sao? Tôi muốn nghỉ việc nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu không tìm được một công việc tốt hơn vì tuổi tác, kinh nghiệm, thị trường và nhiều yếu tố khác?
Khi cố gắng chia sẻ những tâm sự này với bạn bè, tôi thường nhận được bình luận “Bạn chỉ đang suy nghĩ quá mức”. Ban đầu, tôi nghĩ vấn đề thật sự là do mình. Tôi ước mình không phải là một người suy nghĩ quá nhiều. Nhưng có phải tôi đã suy nghĩ quá mức? Vì đó là những việc quan trọng, không phải chúng ta nên suy nghĩ thật kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định hay sao?
Thật đau lòng vì nỗi sợ hãi và lo lắng nảy sinh khi tôi suy nghĩ sâu sắc về các vấn đề bị mọi người gạt bỏ. Vì lý do đó, tôi ngừng chia sẻ với bất kỳ ai.
Nhờ suy tính kỹ lưỡng, cuộc ly hôn diễn ra tương đối suôn sẻ và tôi cũng đã thay đổi công việc trong cùng khoảng thời gian. Chúng không đến từ may mắn mà từ suy nghĩ cẩn thận, thấu đáo, thực hiện các hành động cần thiết để giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra. Với người khác, có thể đó là những suy nghĩ quá mức cần thiết. Nhưng với tôi, đó là việc nên làm.
👉 Suy nghĩ quá mức vốn được định nghĩa đầy tiêu cực:

Theo Từ điển Cambridge, suy nghĩ quá mức là “hành động suy nghĩ về điều gì đó quá nhiều theo hướng không tốt”. Hãy phân tích 2 vế trong định nghĩa này.
– Thứ nhất, “quá nhiều” là một thuật ngữ rất chủ quan. Cần thiết là phải có một mức độ “vừa phải” để làm cơ sở so sánh. Ranh giới giữa “suy nghĩ quá nhiều” và “suy nghĩ vừa phải” rất khác nhau dựa trên góc nhìn của mỗi người. Và nếu đã nói về khả năng “quá nhiều”, chúng ta cũng không nên bỏ qua khả năng “quá ít”. Không suy nghĩ đầy đủ về các vấn đề có thể gây hại cho bạn.
– Thứ hai, “không hữu ích” cũng là một thuật ngữ rất chủ quan. Hãy để tôi đưa ra ví dụ đơn giản: Một cô gái trẻ đi siêu thị để mua ớt chuông cho mẹ. Người mẹ đã quên nói màu sắc bà muốn nên cô gái trẻ phải suy nghĩ trước khi mua. Nếu đã đứng bên cạnh và quan sát cô gái, bạn có thể nghĩ “Tại sao cô ấy lại mất quá nhiều thời gian để đưa ra quyết định? Chắc cô ấy suy nghĩ quá kỹ rồi, cứ chọn lấy một màu thôi!”. Đối với bạn, suy nghĩ về màu sắc của ớt chuông trước khi mua chắc chắn không hữu ích.
Nhưng cô gái có lý do của mình. Mẹ cô có tính cách nóng nảy mà ít người chịu được: bà sẽ la hét khi ai đó làm sai ý mình. Suy nghĩ kỹ càng nên mua ớt chuông màu nào chắc chắn rất hữu ích cho cô gái để tránh bị mẹ chì chiết. Vì mẹ không nói rõ màu sắc nên cô phải cẩn thận nhớ lại các món ăn mà bà đã từng chế biến trong quá khứ. Dù mất nhiều thời gian hơn bình thường nhưng cô ấy đã đoán được. Tuy nhiên, những gì mà cô ấy cho là hữu ích có thể lại không như vậy với chúng ta. Vì có quá ít thông tin nên việc đánh giá lúc này cũng trở nên phiến diện.

👉 Phân biệt giữa suy nghĩ có ích và suy nghĩ quá mức
Nhìn chung, chúng ta có thể nói rằng suy nghĩ không hữu ích nếu nó dẫn đến sự bối rối, lo lắng kéo dài hoặc không thể đưa ra quyết định. Ngược lại, nếu suy nghĩ nhiều dẫn đến kế hoạch cẩn thận và quyết định chắc chắn thì nó có thể được coi là rất hữu ích.
Bạn là người duy nhất có thể thật sự phân biệt giữa suy nghĩ có ích và suy nghĩ quá mức. Tuổi thơ, quá trình lớn lên và nhiều năm kinh nghiệm sống tạo nên nhận thức riêng cho mỗi người. Đừng vội phán xét rằng bản thân hoặc những người khác đang suy nghĩ quá nhiều. Thay vào đó, hãy thật sự lắng nghe và cố gắng thấu hiểu. Đôi khi, việc ai đó suy nghĩ quá nhiều còn liên quan đến các bệnh lý như lo âu và trầm cảm.

👉 Tại sao suy nghĩ có ích lại thường bị nhầm là suy nghĩ quá mức?
Không phải ai cũng có thời gian và sự kiên nhẫn để lắng nghe. Đồng thời, nhiều người lại không giỏi trong việc tóm tắt và trình bày những suy nghĩ của mình. Nếu không có đủ thông tin và hiểu biết về cuộc sống của nhau, chúng ta dễ dàng nảy sinh phán đoán rằng người khác đang suy nghĩ quá mức. Hãy thử nhớ lại xem, bạn đã bao giờ thật sự dành thời gian để hiểu những vấn đề và quá trình suy nghĩ của người khác?
Khi suy nghĩ nhiều về một vấn đề, chúng ta có khả năng sẽ mổ xẻ nó sâu hơn: nhìn thấy tất cả các góc độ, mặt tích cực và tiêu cực. Vấn đề là chúng ta có xu hướng nói nhiều về các khía cạnh tiêu cực của một vấn đề và tạo ấn tượng rằng mình chỉ đang suy nghĩ tiêu cực (đồng nghĩa với không có ích). Từ góc độ cá nhân, tôi có xu hướng cho rằng những phần tích cực của một vấn đề là hiển nhiên và không cần phải thảo luận dài dòng. Chính những phần tiêu cực mới cần được tập trung giải quyết.

👉 Cách để tư duy có ích
1️⃣ Hãy điều hướng suy nghĩ của bạn một cách có ý thức để làm rõ các vấn đề, với mục tiêu đạt được quyết định hoặc kế hoạch hành động trong khoảng thời gian nhất định.

Lưu ý: Quyết định không làm bất cứ điều gì trước một vấn đề (ví dụ: ly hôn) vì có quá nhiều ràng buộc (ví dụ: phúc lợi của con cái) cũng là quyết định. Suy nghĩ thấu đáo cho phép chúng ta hiểu rõ hơn tình hình và lựa chọn chấp nhận hoặc làm điều gì đó để thay đổi.

2️⃣ Cần nhận biết khi nào suy nghĩ bị bế tắc và dẫn đến bối rối hoặc lo lắng. Lúc này, bạn có thể chia sẻ, tâm sự với người khác để giải tỏa tâm trạng.

3️⃣ Bạn cần chọn lọc người mà mình nói chuyện, tâm sự. Một số người sẽ không đủ kiên nhẫn hoặc sự chân thành để cùng chia sẻ các vấn đề với bạn.

4️⃣ Khi nói ra vấn đề với ai đó, tốt hơn là bạn nên trình bày cả mặt tích cực và tiêu cực. Điều này giúp mọi người hiểu rằng bạn đã suy nghĩ về vấn đề từ nhiều góc độ trước khi tập trung vào các phần cụ thể cần giải quyết.

Nguồn tham khảo: tinybuddha

Comments are closed.