“Cha mẹ chỉ muốn tốt cho con” là lời giải thích cho tất cả những ngăn cấm, nguyên tắc muốn con mình nghe theo. Nhưng sự thật là, đôi khi chính bản thân cha mẹ lại không thực hiện những nguyên tắc ấy. Điều này tạo nên những “tiêu chuẩn kép” (*) khiến trẻ cảm thấy không hợp lý, lâu dần cảm thấy bị áp đặt. Hãy cùng tìm hiểu những “tiêu chuẩn kép” mà đôi khi chúng ta đã vô tình áp dụng và điều chỉnh kịp thời nhé.
(*) Tiêu chuẩn kép: ý chỉ những hành động, sự việc, hành động, nhưng người này thực hiện được cho là đúng, tốt nhưng một người khác làm thì bị đánh giá là sai.
Các bậc phụ huynh đều nhận thức rõ những tác hại của việc xem tivi, chơi điện tử trong thời gian dài. Thế nên, chúng ta luôn cố gắng hạn chế hoặc không cho phép con “đụng” đến các thiết bị điện tử trong khi chính cha mẹ lại thường xuyên sử dụng chúng.
Để trẻ tránh xa các thiết bị điện tử, mỗi gia đình cần có một quy tắc giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị điện tử cho mỗi thành viên trong gia đình, và tất cả các thành viên đều phải tuân theo. Trong trường hợp có công việc cần xử lý gấp, bạn hãy giải thích mức độ quan trọng của công việc nếu con đặt câu hỏi, để các con hiểu rằng cha mẹ không phải đang tự cho mình là ngoại lệ.
Phát triển tư duy và kỹ năng ngôn ngữ, kích thích trí tưởng tượng, tăng khả năng tập trung,… là những lợi ích của việc đọc sách được cha mẹ sử dụng để thuyết phục và hình thành sở thích “làm bạn với sách” của con. Thế nhưng, có bao giờ bạn tự nhìn lại xem bản thân đã đọc bao nhiêu cuốn sách trong tháng qua chưa?
Hãy cho trẻ thấy bạn cũng yêu sách như bọn trẻ vậy. Dành khoảng 20 phút mỗi ngày cùng bé đọc vài trang sách hoặc một mẫu chuyện ngắn để hình thành trong bé sự hứng thú với sách ngay từ những năm đầu đời. Thỉnh thoảng, ví dụ mỗi tháng một lần, cả nhà có thể cùng nhau đến nhà sách lựa chọn những cuốn sách hay cũng là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần định hướng việc lựa chọn sách phù hợp với con, luân phiên thay đổi thứ tự sắp xếp trên giá sách để tạo hứng thú.
Người lớn luôn muốn con trở thành những đứa trẻ hiểu chuyện, biết nói cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ, tặng quà và biết xin lỗi khi sai. Thế nhưng trẻ nhỏ rất tinh ý nhận ra nếu bạn dạy chúng một bài học nhưng lại không làm điều đó. Vậy nên, dù đó chỉ là một lỗi nhỏ hay nhận được một lời khen thì bạn cũng hãy nói xin lỗi và cảm ơn để trẻ thấy đây là việc cần làm. Nếu con bạn tỏ ra bối rối hay hỏi tại sao lại phải làm điều đó, hãy kiên nhẫn giải thích và phân tích cho trẻ. Để trẻ quen với xin lỗi và cảm ơn, cha mẹ cũng có thể thực hành với trẻ mỗi ngày như nhờ bé lấy giúp một vật gì đó và nói cảm ơn.
Ngoài ra, hãy khen ngợi khi trẻ biết nhận lỗi và cho những ví dụ cụ thể rằng người lớn đôi khi cũng mắc sai lầm, chúng ta nên nói thật ra để mọi người cùng góp ý để thay đổi mới đáng khen và sẽ được tha thứ.
Để con trở nên dạn dĩ và tự tin hơn cha mẹ thường khuyến khích con sống thật, dám bày tỏ quan điểm, chính kiến của bản thân nhưng đôi lúc chính ba mẹ lại không cho con quyền được nói. Ví dụ, cha mẹ thường yêu cầu con ăn mặc theo thời tiết hoặc gu thẩm mỹ của chính mình mà không quan tâm đến sở thích của con hoặc thậm chí cha mẹ lại không chú đến đến cách ăn mặc của bản thân có phù hợp với thời tiết hay không.
Hoặc đôi khi cha mẹ đưa “mệnh lệnh” và muốn con phải thực hiện ngay lập tức bất kể đứa trẻ đang làm gì. Việc bỏ qua ý kiến của con có thể khiến chúng nghĩ quan điểm và nhu cầu của mình không được xem trọng, và dần dần hình thành cảm giác e ngại thể hiện quan điểm cá nhân. Luôn nhớ rằng, tạo cơ hội, lắng nghe mong muốn của con trẻ không bao giờ là thừa.
Có một nghịch lý thường thấy trong cuộc sống hằng ngày là cha mẹ thường hét lên với con rằng hãy ngừng la hét và đừng nóng giận khi con mất bình tĩnh hay ăn vạ. Việc quát tháo la mắng trẻ sẽ khiến trẻ trở nên lầm lì, gắt gỏng thậm chí sinh ra nhiều hành vi chống đối.
Vậy nên khi bạn cảm thấy mình đang mất kiểm soát, hãy tự hỏi chính mình liệu đây có phải là hành vi mà bản thân dạy trẻ đừng làm hay không. Nếu đã lỡ lời, hãy chờ đến lúc bình tĩnh lại để xin lỗi con, nhận sai về hành động của bản thân và cố gắng cải thiện. Luôn có ý thức với những thiếu sót của bản thân và nghe theo lời khuyên của chính mình trước khi dạy bảo trẻ mới là hành động đúng của một bậc phụ huynh.
Nước ngọt, pizza, gà rán,… là những món yêu thích/khoái khẩu của trẻ con, thế nên việc khuyến khích con ăn uống lành mạnh không phải dễ dàng. Thế nên nếu cha mẹ vẫn nuông chiều sở thích ăn uống không tốt cho sức khỏe của bản thân thì hẳn nhiên không thể bắt con ăn uống lành mạnh được. Việc đầu tiên chúng ta cần làm là hãy ăn những thức ăn lành mạnh như thực đơn chuẩn bị cho con vậy.
Ngoài ăn uống, cũng nên tạo cho con thói quen tập luyện thể dục, đi ngủ đúng giờ. Thế nhưng trước tiên, các bậc phụ huynh hãy làm gương bằng việc đi ngủ sớm và tập thể dục ít nhất 3-4 lần mỗi tuần.
Con cái là tấm gương phản chiếu của chính cha mẹ. Việc đặt ra những quy định cho con nhưng bản thân lại không thực hiện sẽ khiến trẻ có cái nhìn không tốt về cha mẹ, thậm chí khiến mối quan hệ của hai bên xấu đi. Thế nên, cha mẹ ơi, hãy xóa bỏ ngay những “tiêu chuẩn kép” trong gia đình và trở thành tấm gương trước khi đưa ra lời khuyên cho con trẻ nhé.