Nếu như bạn có một đứa con thích tranh cãi, bạn nên mừng hơn nên lo bởi con bạn là đứa trẻ có chính kiến, có tư duy độc lập, không sợ uy quyền và đang phát triển rất tốt. Với những khả năng này của trẻ, chỉ cần chúng có sự định hướng đúng đắn, nhờ vào cách xử lý mềm dẻo, khéo léo của phụ huynh thì chúng sẽ dễ tiến xa trong tương lai.
Ảnh minh họa
Vì sao bố mẹ lại tức giận khi con cãi lại?
Lý do vô cùng đơn giản. Bởi vì bố mẹ luôn có một suy nghĩ rằng mình là người lớn, là người đẻ ra con, chính vì thế con bắt buộc phải nghe, không được sai một ly! Khi con thể hiện ý kiến khác với ý nguyện của bố mẹ, họ cho rằng quyền uy của mình bị đe dọa, con không xem mình ra gì và vì thế cảm thấy tức giận hay thấy bị xúc phạm.
Thường thì phụ huynh sẽ không giải thích cho con hiểu, không chấp nhận nổi việc bất đồng ý kiến này mà sẽ buông ra những câu la mắng, thậm chí là miệt thị để hạ thấp con mình. Trong một số trường hợp, phụ huynh có thể nổi giận và dùng bạo lực để thể hiện quyền lực của bố mẹ, gây ra sự tổn thương không chỉ về mặt thể chất mà còn tạo ra bóng đen tâm lý, khiến con lệch lạc nhân cách cho đến lớn.
Ảnh minh họa
Tại sao trẻ con cãi lời bố mẹ?
Việc phát triển tư duy về sự vật, sự việc trong cuộc sống cũng như có sự nhận thức về bản thân là một quá trình rất bình thường và tự nhiên của đứa trẻ. Từ 2-3 tuổi trở lên, trẻ đã bắt đầu có một khả năng nhận thức nhất định cũng như thích thể hiện cái tôi của mình bằng việc nói “không” với các yêu cầu của bố mẹ.
Lớn hơn chút nữa, trẻ hiểu biết nhiều hơn về thế giới xung quanh, trở thành một cá nhân có tư duy độc lập, có suy nghĩ và quan điểm riêng. Với vốn từ và khả năng biểu đạt ngày một hoàn thiện sẽ càng giúp cho trẻ dễ dàng bày tỏ chính kiến của mình trước mặt người lớn. Lúc này việc trẻ phản bác hay cãi lời bố mẹ không thể đánh đồng với việc chúng không tôn trọng hoặc hỗn láo.
Một số phụ huynh hay châm biếm khi con làm sai, la hét, mắng mỏ con, thậm chí bêu rếu con trước mặt người ngoài. Vì vậy phản ứng cãi của con xuất phát từ chính cách cư xử không đúng của phụ huynh, bởi con cảm thấy mình không được công nhận, không được tôn trọng và tin tưởng.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, việc bố mẹ thường xuyên thất hứa cũng làm tăng thêm sự bất bình trong nội tâm của con. Khi trẻ cảm thấy bị lừa dối, cảm giác phản kháng và đối đầu sẽ dần lan tỏa trong lòng trẻ. Dần dà, trẻ không còn tin tưởng bố mẹ, không muốn chấp nhận kỷ luật và giao tiếp bình thường với bố mẹ cũng sẽ biến thành bắt bẻ và bác bỏ.
Đằng sau tất cả những hành vi có vẻ đối nghịch này, điều mà đứa trẻ muốn thể hiện chỉ đơn giản là con muốn được chú ý và con muốn được tôn trọng.
3 phản ứng của bố mẹ giúp con nên người
Thứ nhất, phải nghe con nói hết câu!
Trong lúc này, đứa trẻ đang rất xúc động, thậm chí là kích động và việc bố mẹ nên làm không phải là ngắt lời, đàn áp con mà để cho con có cơ hội giãi bày hết câu chuyện. Hãy là một người lắng nghe thật tốt để giúp con trút bỏ cảm xúc và để có một cái nhìn toàn diện hơn về câu chuyện của con.
Ảnh minh họa
Thứ hai, giúp con định danh cảm xúc.
Phụ huynh hãy giúp trẻ gọi tên những cảm xúc mà chúng đang trải qua và cho chúng hiểu được rằng không có gì là sai trái khi có cảm xúc như vậy, tuy nhiên cách mà con đang hành động thì không đúng đắn.
Ví dụ: “Mẹ biết con giận lắm, mẹ biết con đang thấy khó chịu, nhưng con không thể nói chuyện với bố mẹ như thế này”.
Với những đứa trẻ nhỏ hơn, phụ huynh hãy đi trực tiếp vào vấn đề: “Nếu con tức giận có thể nói cho mẹ nghe. Con có thể nói mẹ ơi con đang cáu lắm, con đang không vui, chứ đừng chỉ vào mặt mẹ mà hét lên con ghét mẹ, mẹ xấu xí”.
Chỉ ra cảm xúc của trẻ, giúp trẻ hướng đến cách bày tỏ cảm xúc tích cực, giải tỏa bức xúc là điều mà phụ huynh cần phải làm.
Thứ ba, giao quyền chủ động cho con.
Đứa trẻ thích cãi thực chất là muốn được bố mẹ chú ý và tôn trọng nhiều hơn. Vì vậy trong một số tình huống, bố mẹ không nên chỉ chăm chăm vào việc đặt ra các quy định theo ý mình mà hãy cho con quyền chủ động, khi đó, con sẽ tự tìm cách để giải quyết vấn đề.
Khi bố mẹ nhượng bộ con, giao quyền quyết định cho con sẽ không làm mất quyền uy của phụ huynh, ngược lại chính là “lùi một bước để tiến ba bước”, cách này sẽ giúp con trở nên ngoan ngoãn, có trách nhiệm hơn.
Khi trẻ thích cãi lại có thể là do chúng không đồng ý với bố mẹ, hoặc do cảm xúc của chúng chưa được quan tâm đúng mực. Điều phụ huynh cần phải làm là để trẻ bộc lộ cảm xúc và định hướng cho trẻ cách thể hiện cảm xúc đúng đắn, động viên trẻ nói ra ý kiến, biện pháp cải thiện và giải quyết vấn đề để tránh sự xung đột tương tự xảy ra trong tương lai.
(Nguồn: Sohu)