Trẻ em Việt Nam còn “quá yếu” và “quá thiếu” kỹ năng. – Nhân Cách Việt Đào tạo THÁI ĐỘ SỐNG, KỸ NĂNG SỐNG cho Thanh Thiếu Niên

Trẻ em Việt Nam còn “quá yếu” và “quá thiếu” kỹ năng.

Vàng bạc đầy nhà không bằng có con được giáo dục tốt
23 Tháng Năm, 2019
Bài luận về chiếc áo ngực giành suất vào ĐH Harvard của nữ sinh gốc Việt
29 Tháng Sáu, 2019

Trẻ em Việt Nam còn “quá yếu” và “quá thiếu” kỹ năng.

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em gần đây đang là vấn đề “ nóng”, nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, để việc giáo dục thực sự mang lại hiệu quả, cần phải phân tích và nhìn nhận rõ ràng thực trạng vấn đề hiện nay tại Việt Nam cũng như tìm hiểu nguyên nhân và đề ra phương hướng giải quyết.

Trẻ em Việt Nam còn “quá yếu” và “quá thiếu” kỹ năng.

Trẻ em Việt Nam được biết đến là thông minh, học giỏi. Tuy nhiên xét với một bộ phận không nhỏ trẻ em hiện nay, ngoài điểm số cao, kiến thức về cuộc sống xung quanh của các em hầu như không có. Có những em đến độ tuổi đi học, mà ngay những hoạt động thường nhật như tự mặc quần áo, buộc dây giày chuẩn bị đồ dùng học tập, nấu đồ ăn sáng…vẫn chưa tự làm được. Bên cạnh đó, nếu xét thêm những kỹ năng liên quan đến sinh tồn, giao tiếp, ứng xử, đạo đức, dường như trẻ em Việt Nam còn phải chạy dài theo sau bạn bè cùng trang lứa ở nhiều nước khác.

Một điển hình về lỗi trong ứng xử, đạo đức của trẻ em thời nay là “khôn nhà, dại chợ”. Ở nhà quen được bố mẹ nâng niu chiều chuộng, trẻ động tí là cãi lại ngay. Tuy nhiên, khi ra ngoài, trẻ bị bắt nạt, hiếp đáp thì chưa biết cách ứng phó thế nào cho tốt và an toàn mà thường im lặng chịu đựng.Thêm vào đó, nhiều trẻ được bố mẹ nuông chiều thái quá dẫn đến đi ra ngoài luôn đặt  mình cao hơn người khác, chưa biết cách nói năng, ứng xử trên dưới cho phù hợp, rất dễ bị thiệt thòi khi sống tập thể và khó hòa nhập với xã hội. Liên quan đến kỹ năng sinh tồn, kỹ năng tự bảo vệ, trẻ em thời nay “thiếu” và “yếu” ngay cả những kỹ năng cơ bản nhất. Ví dụ cụ thể, phần lớn các em không biết về những lưu ý khi bơi lội để tránh bị đuối nước, hoặc có thể biết nhưng chưa nhận thức rõ ràng hậu quả nên vẫn mang tâm lý chủ quan.

Theo số liệu thống kê, mỗi năm có khoảng 3500-4000 trẻ em chết đuối, quả là con số đáng báo động. Ngoài đuối nước, còn có rất nhiều tai nạn đáng tiếc khác xảy ra liên quan đến các tại nạn về điện hoặc điện giật, xâm hại tình dục, bỏng, ngã, cháy.., những tai nạn mà đáng lẽ có thể phòng ngừa hoặc giảm nhẹ nếu trang bị cho trẻ đầy đủ những kỹ năng tự bảo vệ thiết yếu.

Nguyên nhân do đâu?

Một vài nguyên nhân chính của hiện tượng trên có thể kể đến như: sự bao bọc quá mức của bậc cha mẹ cũng như sự thiếu quan tâm đúng mực của gia đình và nhà trường trong việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng lao tới gánh hết mọi khó khăn dù lớn hay nhỏ của con. Họ cho rằng đó là thương con, yêu con, nhưng thực tế họ đang mắc sai lầm nghiêm trọng khiến con trở nên yếu ớt, thiếu bản lĩnh, khó hòa nhập với cộng đồng.

Trong xã hội hiện đại đầy tất bật và lo toan, áp lực từ công việc, đối nội, đối ngoại khiến thời gian bố mẹ dành cho con ngày càng ít, thời gian kèm cặp và giáo dục con lại càng ít hơn. Tương tự, nhà trường do áp lực và gánh nặng về chỉ tiêu giảng dạy các môn văn hóa nên vẫn còn thiếu quan tâm và chưa đầu tư đúng mức đối với việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Sau một khoảng thời gian dài, đến khi đứa trẻ đó trưởng thành, sau một vài va vấp trong cuộc sống, các bậc cha mẹ mới sững sờ nhận ra: hành trang vào đời của con quá ít ỏi. Liệu có quá muộn? Theo nhiều nghiên cứu, giai đoạn giáo dục trẻ về hành vi và nhân cách thích hợp nhất là những năm đầu đời, khi đó trẻ dễ tiếp thu, dễ uốn nắn. Nếu bỏ mặc trẻ cho đến khi bước vào cấp 2, cấp 3, khi mà tính cách của trẻ đã dần được định hình thì việc giáo dục, chấn chỉnh sẽ không hề dễ dàng. Nhiều bậc phụ huynh đã phải thốt lên đầy bất lực khi “nói con không nghe, bảo con không làm”.

Đâu là giải pháp?

Hiện nay tại Việt Nam, các bậc phụ huynh có thể nghĩ đến nhiều giải pháp nhằm nâng cao và hoàn thiện kỹ năng sống cho con như: gửi con đi học ở các trung tâm kỹ năng sống, đăng kí cho con các khóa học kỹ năng sống online, tổ chức cho con hững chuyến đi trải nghiệm người thật, việc thật và làm dày vốn sống…Đó đều là những lựa chọn thông minh và mang lại hiệu quả tích cực trong việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Tuy nhiên, để những giải pháp nêu trên thực sự phát huy tác dụng, không thể không có sự quan tâm, sát sao và dạy dỗ từ phía các bậc phụ huynh. Dù đã được học kiến thức ở trường, lớp hay trên mạng Internet, trẻ vẫn cần sự kiểm soát và định hướng của bố mẹ để có thể tiếp cận với những kiến thức thực sự có ích và phù hợp. Bên cạnh đó, học ngoại khóa thường chỉ là các khóa học ngắn hạn và không thường xuyên, trong khi trẻ cần được dạy dỗ hàng ngày.

Để con thực sự phát triển theo hướng tích cực, các bậc phụ huynh cần lưu ý một số điều sau:

– Dành thời gian dạy bảo và chia sẻ với con. Dạy trẻ là một công việc cực kì tốn kém về mặt
thời gian và đòi hỏi sự kiên nhẫn của người lớn. Để dạy cho con một thói quen tốt, bố mẹ cần quan tâm sát sao những suy nghĩ, hành vi thường ngày để giảng giải, hướng dẫn, định hướng và nhắc nhở con kịp thời. Hơn nữa, trẻ đang ở tuổi học hỏi khám phá nên dễ có “ấn tượng” và bắt chước các thói quen xấu, vì vậy rất cần bố mẹ theo dõi và uốn nắn đúng lúc. Ngoài ra, dành thời gian chia sẻ với trẻ giúp bố mẹ hiểu rõ hơn những suy nghĩ hay sự biến đổi tâm sinh lý của trẻ nhằm đưa ra lời khuyên và tư vấn đúng lúc, giúp trẻ hạn chế phạm sai lầm. Bố mẹ hãy là người bạn đồng hành đáng tin cậy của trẻ.

– Tạo cho con thói quen sống tự lập. Trẻ sẽ không thực sự lớn lên và trưởng thành nếu như mãi mãi sống trong sự che chở của bố mẹ. Đôi khi để trẻ tự vấp ngã và tự đứng lên lại là cách để trẻ “lớn lên” nhanh nhất. Để con tự giải quyết khó khăn và trở nên mạnh mẽ không có nghĩa là bạn yêu chúng ít hơn, mà ngược lại, bạn đang yêu con rất nhiều.

– Kết hợp kỷ luật và hình phạt đúng mức khi dạy con. Thực tế cho thấy khi dạy con về bất cứ vấn đề gì, thái độ mà bố mẹ biểu đạt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả giáo dục. Nếu bố mẹ tỏ ra thực sự nghiêm túc và coi trọng việc thực hiện vấn đề nào đó, trẻ sẽ dễ nghe lời hơn rất nhiều. Thái độ nghiêm túc và coi trọng ở đây không chỉ thể hiện qua lời nói, cảm xúc mà còn biểu hiện qua hành động. Cụ thể, nếu trẻ phạm lỗi, trước hết hãy hỏi lí do. Nếu lí do không chính đáng bố mẹ cần phải nghiêm khắc dạy bảo. Hình phạt nên được áp dụng trong trường hợp này để con không cảm thấy “làm cũng được, mà không làm thì cũng không sao”. Phạt ở đây không nhất thiết phải là đánh mắng hay chửi bới nặng nề, hãy linh động theo từng hoàn cảnh và áp dụng một cách phù hợp.

Ví dụ: Nếu con không cất đồ chơi vào đúng chỗ sau khi chơi xong, bố mẹ sẽ tịch thu và phạt con không được chơi trong vài ngày sau đó… Tóm lại, ý thức của gia đình nhà trường trong việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ đang ngày một nâng cao và mang lại những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, để đạt được những thành tựu thực sự và tác động sâu rộng đến toàn bộ cộng đồng, cả gia đình và xã hội vẫn cần phải phối hợp chặt chẽ và nỗ lực nhiều hơn. Dạy con là cả một nghệ thuật, và bố mẹ là những người “nghệ sĩ”. Hãy quan tâm đúng mức đến việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ và thực hiện những cách thức giáo dục phù hợp để tạo ra những “tác phẩm” thật sự thành công và nhận được sự tán thưởng của xã hội.

LÊ THỊ THANH YẾN (Chuyên viên)

 

Comments are closed.