TS Nguyễn Thị Thu Huyền (Ảnh: N.L).
Hội thảo nhằm giải đáp phần nào cho các câu hỏi quanh chủ đề hướng nghiệp cho trẻ như: Tương lai của con, con hay cha mẹ quyết định? Làm sao khi định hướng ngành nghề của con thay đổi liên tục? Nên bắt đầu định hướng nghề nghiệp cho con từ lúc nào? Để hướng nghiệp không phải là “cuộc chiến” giữa cha mẹ và con cái.
Mở đầu chương trình, TS Nguyễn Thị Thu Huyền đưa ra thông tin 60-70% những nghề nghiệp đang tồn tại hiện nay có thể biến mất trong 20 năm tới. Những điều chúng ta tin tưởng là lựa chọn đúng trong hôm nay chưa chắc đã đúng trong tương lai.
Nhưng thực tế hiện nay, nhiều phụ huynh vẫn áp đặt con chọn nghề này nghề nọ khi thấy bạn bè, người thân theo những việc có thu nhập cao, có địa vị trong xã hội.
“Thậm chí có nhiều người khi mới sinh con đã đi xem tử vi hoặc thịnh hành hơn trong 5 năm gần đây là sinh trắc học vân tay, mới nhất là phân tích thần số học, giải mã gen để xem tương lai, thế mạnh, thiên hướng nghề nghiệp của con.
Tôi đều đã tham khảo và thử làm các phân tích này nhưng dưới góc nhìn khoa học, đây không phải là những công cụ để hướng nghiệp”, bà Huyền nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Thị Thu Huyền hướng nghiệp là hoạt động giáo dục để trẻ tự quyết định nghề nghiệp trong tương lai của mình trên cơ sở phân tích khoa học: năng lực của trẻ, hứng thú sự yêu thích và nhu cầu của thị trường.
Quá trình hướng nghiệp bắt đầu từ việc con có ý niệm, suy nghĩ đến việc con muốn theo một ngành, nghề nào đó. Việc này có thể diễn ra từ tiểu học, thông qua các cuộc trò chuyện, chia sẻ hàng ngày với con về những công việc của bố mẹ, người thân xung quanh.
Phụ huynh và cả con trẻ hãy hiểu và chấp nhận những mong muốn, sự yêu thích này có thể thay đổi theo thời gian. Tiểu học con có thể thích làm giáo viên, bác sĩ nhưng lên cấp 2 muốn làm phóng viên, lên lớp 11, 12 con lại nghĩ khác, có đam mê khác. Điều này hoàn toàn bình thường, phụ huynh không cần quá lo lắng vì kể cả người lớn, khi đi làm vẫn có thể thay đổi nghề nghiệp của mình.
Quá trình này trẻ cần biết những phẩm chất, khả năng, những giá trị con có và mong muốn theo đuổi. Đặc điểm của mỗi đứa trẻ như tình cảm, hài hước, lạc quan, nội tâm… đều là những thế mạnh nhất định.
Bà Huyền kể, bà từng gặp trường hợp phụ huynh rất lo lắng khi con mình không biết lo xa, tới đâu thì tới, hời hợt nhưng thật ra đó cũng là điểm mạnh của trẻ. Với tính cách như vậy, trẻ có thể thích nghi với những thay đổi, vững vàng trước khó khăn, thử thách.
Khi cần, hãy dẫn con đến gặp… YouTuber
Điều làm nhiều phụ huynh lúng túng trong quá trình định hướng nghề nghiệp cho con là trẻ thích đủ thứ, trong khi khả năng không có gì đặc biệt, nổi trội.
Nhà giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng khi con trẻ bày tỏ sự yêu thích với nhiều lĩnh vực khác nhau, không có cách nào tốt hơn là phụ huynh cho con trải nghiệm thực tế với những lĩnh vực đó.
Nếu con thích làm nghề sáng tạo nội dung trên các nền tảng Youtube, Tiktok phụ huynh hãy đưa con đến gặp những người làm trong lĩnh vực đó để con hiểu là đằng sau sản phẩm triệu view đó đòi hỏi như thế nào, khó khăn ra sao, con phải đối mặt với những áp lực nào?
Nếu con thích múa, hát hãy dẫn con gặp nhạc công, vũ công, ca sĩ để nghe họ chia sẻ về môi trường làm việc, năng lực cần có.
Phụ huynh hãy tích cực cho con trải nghiệm và ghi nhận những điều con yêu thích cũng như năng lực mà con có, càng sớm càng tốt để có thời gian trải nghiệm, suy nghĩ, lựa chọn.
Một thực tế hiện nay, nhiều phụ huynh chờ khi con lên cấp 3, thậm chí con học lên 12 bắt đầu mới bàn đến những ngành, nghề con dự định sẽ học, sẽ làm. Sự thiếu hụt về thời gian chuẩn bị các kiến thức, kỹ năng nền tảng, thiếu hụt thông tin nghề nghiệp khiến không ít học sinh không đặt chân vào được các trường đại học như mục tiêu đặt ra hoặc không theo đuổi được nghề nghiệp như mơ ước.
Việc hướng nghiệp là một quá trình cần bắt đầu từ sớm, tốt nhất là từ bậc tiểu học thông qua việc trang bị cho con những hình dung, ý niệm về các ngành nghề khác nhau cùng các trải nghiệm thực tế.
Theo nữ tiến sĩ, chọn ngành nghề quan trọng như chọn người bạn đời của mình. Chọn được một công việc mình yêu thích, đi làm vẫn vui vẻ từng ngày, từng giờ là điều rất hạnh phúc, may mắn dù cũng có lúc gập ghềnh sóng gió.
Nhưng thực tế không phải ai cũng có được may mắn đó, không ít bạn trẻ kể cả khi đi làm vẫn loay hoay hoặc rơi vào bi kịch vì không yêu công việc mình đang làm, không biết bắt đầu lại từ đâu.
Đối với tình huống xung đột trong gia đình khi ngành nghề con chọn khác với mong muốn, định hướng của bố mẹ, theo bà Huyền nếu trẻ có đam mê với ngành nghề nào đó, đã biết những khó khăn, áp lực, mặt trái của nghề nhưng vẫn yêu thích và quyết tâm theo đuổi, có trách nhiệm trong lựa chọn của mình thì phụ huynh cần tôn trọng và tin tưởng trẻ.
Trên cơ sở đó, bố mẹ đồng hành cùng con bằng việc phân tích thị trường lao động, các cơ hội học tập… để giúp con có điều kiện phát triển tốt nhất với lựa chọn của mình.