Đầu tư cho bản thân một cách hiệu quả – Nhân Cách Việt Đào tạo THÁI ĐỘ SỐNG, KỸ NĂNG SỐNG cho Thanh Thiếu Niên

Đầu tư cho bản thân một cách hiệu quả

Tại sao định hướng nghề nghiệp lại quan trọng?
27 Tháng năm, 2021
Các sai lầm thường gặp khi chọn ngành nghề
27 Tháng năm, 2021

Đầu tư cho bản thân một cách hiệu quả

Khái niệm đầu tư cho bản thân không phải mới nhưng không phải ai cũng hiểu nó một cách chính xác và biết cách đầu tư cho phù hợp với hoàn cảnh của mình.

CHÚNG TA BẮT ĐẦU ĐẦU TƯ CHO BẢN THÂN KHI NÀO?

Chính xác là từ khi đến thế giới này, chúng ta đã bắt đầu được đầu tư cho bản thân. Nhưng đó là theo cách thụ động, nghĩa là cha mẹ lo lắng cho chúng ta tất cả. Công thức chung đối với mọi gia đình là các bạn sẽ được chu cấp ăn uống, quần áo, trường lớp cho đến khi hết đại học. Sau đó cha mẹ sẽ hy vọng bạn ra ngoài đi làm kiếm tiền tự chăm lo bản thân.

CHĂM LO BẢN THÂN NHƯNG KHÔNG HỀ ĐẦU TƯ CHO NÓ

Nếu bạn đang đi làm và đọc bài viết này, lần cuối bạn thực sự đầu tư cho bản thân là khi nào? Do quen được nhận “đầu tư thụ động” từ cha mẹ, đến khi trưởng thành đa số các bạn không tự chủ động đầu tư cho mình. Hoặc nếu có thì đầu tư không đúng cách.

Đầu tư của cha mẹ chỉ đóng vai trò nền tảng để bạn có xuất phát điểm tốt vào đời, còn việc có phát triển được hay không phải là việc đầu tư chủ động của bạn. Tôi thường chia các hạng mục đầu tư cho bản thân thành 3 nhóm chính:

  • Đầu tư cho sức khoẻ
  • Đầu tư cho kiến thức và kỹ năng
  • Đầu tư cho hình thức bên ngoài

ĐẦU TƯ CHO SỨC KHOẺ

Trong những năm gần đây, người Việt Nam đã chú trọng hơn rất nhiều vào sức khoẻ bản thân. Các chuỗi phòng tập gym hay yoga mọc lên ngày càng nhiều và hầu như chúng ta đều có thể chọn cho mình một phòng tập ưng ý gần nhà.

Tôi đánh giá sức khoẻ là yếu tố quan trọng đầu tiên cần xem xét để đầu tư cho bản thân và bạn đầu tư càng sớm thì càng ít tốn kém. Thậm chí không cần đến phòng tập, chỉ cần chạy bộ mỗi ngày 30 phút cũng đã tốt hơn cho sức khoẻ rất nhiều rồi. Chúng ta thường lấy lí do bận rộn để né tránh việc tập thể dục và chỉ nhận ra giá trị của nó khi cơ thể có vấn đề.  Do đó, khi còn trẻ hãy quan tâm đầu tư chăm sóc sức khoẻ của mình vì bạn sẽ chẳng làm được gì với một cơ thể yếu ớt. Khi muốn bắt đầu thay đổi bản thân, hãy cải thiện sức khoẻ của mình.

ĐẦU TƯ CHO KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG

Cuốn sách gần đây nhất bạn đọc là gì? Bạn học được gì từ nó? Khoá học gần đây nhất bạn học là gì? Tại sao bạn lại đăng ký nó? Do không có một bản kế hoạch phát triển bản thân rõ ràng, các người trẻ thường không đầu tư cho kiến thức hoặc đầu tư rất tuỳ hứng.

Khi còn nhỏ, việc học tập của bản thân thường được ba mẹ “dọn sẵn”, học cái gì, học thế nào, v.v. đều do ba mẹ định hướng. Đến khi trưởng thành, khi không còn ai “cầm tay” thì đa số các bạn không biết nên học gì hay làm gì.

Như đã nói ở trên, kiến thức bạn nhận được từ ghế nhà trường chỉ giúp bạn có xuất phát điểm tốt chứ không đủ để bạn thành công. Một khi bạn dừng việc nâng cấp bản thân thì gần như bạn cũng đã đóng cánh cửa thăng tiến của mình.

Nếu bạn đã đọc đến đây, việc đầu tiên bạn làm là phải lập một kế hoạch phát triển bản thân rõ ràng. Kế hoạch này phải bao gồm các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Bạn có thể tìm hiểu thêm về quy trình phát triển bản thân S.T.E.A.M của tôi. Từ các hoạt động này, bạn sẽ biết các hành động mình cần phải thực hiện trong từng giai đoạn là gì. Ví dụ như mục tiêu dài hạn của bạn là một vị trí cao hơn trong công ty thì các hành động bạn cần thực hiện là nâng cao khả năng tiếng anh, tăng cường các kiến thức chuyên môn, v.v.

Đừng vội vàng đầu tư cho kiến thức mà không có một kế hoạch rõ ràng. Có một câu nói rất hay rằng “đọc sách mà thiếu tư duy là biểu hiện của sự lười biếng”. Do đó trước khi mua quyển sách hay tham gia khoá học nào, hãy hỏi bản thân tại sao bạn lại muốn tham gia và bạn sẽ nhận được gì từ nó.

ĐẦU TƯ CHO HÌNH THỨC BÊN NGOÀI

Nếu như đầu tư cho sức khoẻ hay kiến thức là đầu tư cho inside. Thì đầu tư cho hình ảnh bên ngoài chính là outside. Người khác sẽ nhìn thấy vẻ bề ngoài của bạn trước tiên nên bạn muốn người khác có nhận định ban đầu thế nào thì hãy ăn mặc như thế ấy. Tuỳ thuộc vào môi trường sống và làm việc của mình, hãy đầu tư để bản thân có một hình ảnh thật sự phù hợp.

Nhưng ở đây cũng có một vấn đề lớn là một bộ phận các bạn trẻ hiện nay lại quá đầu tư cho bản thân. Bao nhiêu tiền kiếm được các bạn ấy dùng hết cho quần áo, phụ kiện, đồ chơi công nghệ thậm chí vay mượn để có một vẻ bề ngoài “sang chảnh”. Vẻ bề ngoài có thể gây thiện cảm cho người khác nhưng kiến thức bên trong mới là cái làm các bạn trở nên khác biệt.

Để có thể phát triển toàn diện thì chúng ta cần phải đầu tư cả inside và outside của mình. Không nên quá thiên lệch về phía nào mà hãy phân bổ ngân sách hợp lý tuỳ vào từng giai đoạn khác nhau của cuộc sống. Bạn nên nhớ rằng phát triển bản thân là quá trình diễn ra liên tục, hãy tiếp tục tiến lên từng chút một!

Comments are closed.