Cha mẹ nên dành thời gian dạy trẻ một vài cách nhận biết, đối phó với những tên tội phạm xâm hại tình dục đang rình rập ngoài kia nhằm tấn công trẻ bằng nhiều thủ đoạn. Không ít trường hợp phụ huynh đợi đến khi trẻ lớn tuổi hơn, thậm chí là sau khi trẻ bị xâm hại, mới dám thẳng thắn trò chuyện và giáo dục giới tính cho trẻ.
Tại Mỹ, theo báo cáo của Bộ Tư Pháp, trong số tội phạm xâm hại trẻ em, chỉ có 10% là người lạ với trẻ, có đến tận 23% số tội phạm cũng chính là người ở độ tuổi trẻ em. Nhiều nạn nhân của các vụ xâm hại trẻ em dưới 5 tuổi. Hầu hết các nạn nhân đều quen biết kẻ xâm hại các em, và sự thật đáng sợ hơn là kẻ xâm hại lại là một đứa trẻ khác.
Nhiều bậc cha mẹ bày tỏ rằng họ không tin rằng con trẻ lại là đối tượng bị xâm hại, vì họ chưa bao giờ để con trẻ ở riêng với người lạ, họ cố gắng luôn chú ý đến con trong mọi trường hợp.
Cha mẹ có từng cho phép con trẻ tự đi chơi với bạn? Trẻ có được cho đi học ở nhà trẻ, mẫu giáo? Có bạn bè của trẻ hay bạn bè của cha mẹ thường xuyên đến chơi với gia đình? Trẻ có hay sang nhà hàng xóm chơi? Thực tế là cha mẹ khó mà đảm bảo được rằng trẻ được hoàn toàn bảo vệ khỏi nguy cơ bị bạo hành hoặc xâm hại tình dục.
Trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bị bạo hành dù chúng đang sinh sống trong khu vực dân cư rất tốt, trong một gia đình rất tốt, được đến học ở một trường rất tốt. Các con có thể bị xâm hại ngay trong lúc đi chơi với bạn bè, khi ở trong lớp học, ở sân chơi, trên xe bus đến trường, ở ngay sân sau nhà hoặc thậm chí ngay trong phòng của chính con trẻ.
Vì vậy, cách tốt nhất để trẻ có thể tự bảo vệ bản thân khi không có cha mẹ xung quanh chính là cung cấp các kiến thức cần thiết, những cách phòng chống hiệu quả mà trẻ có thể áp dụng để trẻ không trở thành nạn nhân.
Việc giáo dục cho trẻ về giới tính cần được tiến hành ngay, cho dù cha mẹ có đang nghĩ còn quá sớm để dạy trẻ. Việc giáo dục giới tính có thể không dễ dàng nhưng cha mẹ không cần thiết tiến hành theo cách hù doạ khiến trẻ sợ hãi. Dưới đây là 10 gợi ý mà cha mẹ có thể giúp trẻ tránh khỏi việc bị tổn thương do bạo hành tình dục.
1. Nói về các bộ phận của cơ thể
Hãy dạy trẻ về các bộ phận cơ thể và nói kỹ về các bộ phận từ khi trẻ còn nhỏ, hoặc ít nhất hãy dùng đúng từ khoa học để nói về các bộ phận. Đừng khiến trẻ bối rối nếu cha mẹ cố gắng nói giảm nói tránh. Thay vì để trẻ hiểu nhầm, gọi sai tên, hãy dạy đúng từ đầu. Sau đó, những cuộc nói chuyện trong tương lai sẽ dễ dàng thẳng thắn hơn khi cả hai phía đều thoải mái khi cùng dùng những từ ngữ giống nhau. Nếu trẻ không may bị xâm hại, việc trẻ biết dùng đúng từ sẽ giúp trẻ dễ biểu đạt chính xác cho cha mẹ hiểu chuyện gì đã xảy ra.
2. Dạy trẻ về các bộ phận riêng tư trên cơ thể.
Trẻ cần được biết tại sao những bộ phận riêng tư lại được gọi như vậy, vì những bộ phận đó không thể để tất cả mọi người nhìn thấy. Đồng thời cha mẹ cũng nên giải thích trong một số trường hợp đặc biệt, cha mẹ có thể ở cùng trẻ khi trẻ không mặc quần áo, hoặc khi cần khám sức khoẻ, có mặt cả bác sĩ và cha mẹ. Nhưng với người ngoài (bất kỳ ai ngoài cha mẹ), trẻ bắt buộc phải mặc quần áo khi gặp những người đó.
3. Dạy trẻ về các giới hạn đụng chạm trên cơ thể chúng
Hãy nói với trẻ rằng không ai có quyền được chạm vào các bộ phận riêng tư của chúng, và không một ai được phép mời hoặc ép buộc trẻ chạm vào bộ phận riêng tư của người đó. Nhiều cha mẹ quên mất rằng những kẻ bạo hành thường bắt đầu tội ác của chúng bằng cách yêu cầu trẻ đụng chạm vào những vùng riêng tư trên cơ thể.
4. Nói với trẻ về việc cần phải kể cho cha mẹ, thầy cô nếu có ai ép buộc con giữ bí mật vì những lần động chạm riêng tư
Đa số những kẻ xâm hại thường dặn dò trẻ phải giữ bí mật chuyện trẻ bị xâm hại. Kẻ xâm hại có thể ra vẻ lịch sự “Cô/ Chú rất thích chơi với con. Nhưng nếu con kể cho ai nghe về chuyện này, chắc là cô/ chú sẽ không đến chơi được với con nữa đâu”. Hoặc có thể bằng cách đe doạ “Đây là bí mật giữa 2 chúng ta. Nếu con đi kể với người khác, cô/ chú sẽ nói rằng đây là việc con muốn làm và con sẽ bị la mắng, bị phạt cho mà xem, sẽ không ai tin lời con đâu”.
Do đó, cha mẹ cần cho các con biết và hiểu rằng dù kẻ đó có nói gì với con đi chăng nữa, việc con giữ im lặng nếu bị những kẻ đó động chạm là không nên. Đồng thời phụ huynh hãy khuyên nhủ trẻ nói ra, kể ra sự thật với cha mẹ về những việc kẻ đó đã làm với các con. Không ai có quyền trách mắng con vì những gì con đã phải trải qua.
5. Nói với trẻ rằng không ai được quyền chụp ảnh, quay phim lại những bộ phận riêng tư của các con hoặc bắt con phải xem hình ảnh bộ phận riêng tư của người đó.
Đây là một trong những lời dặn dò mà nhiều cha mẹ hay bỏ qua. Có rất nhiều kẻ ấu dâm luôn ẩn nấp khắp nơi để có cơ hội chụp lén hoặc dụ dỗ chụp ảnh, quay phim khi trẻ khoả thân. Và nhóm tội phạm này thường trao đổi những hình ảnh, đoạn video phạm tội với nhau. Đây là một triệu chứng rối loạn đáng sợ và trẻ em cần được bảo vệ để tránh xa khỏi những người mắc chứng rối loạn này. Không ai được quyền chụp ảnh bộ phận riêng tư của các con, hoặc chụp ảnh con khi con không muốn và không ai được bắt buộc con xem ảnh bộ phận riêng tư của họ.
6. Dạy trẻ cách thoát khỏi những trường hợp con cảm thấy không thoải mái, bị đe doạ.
Nhiều trẻ chưa được học cách nói lời từ chối, nói “không” với lời đề nghị, rủ rê từ người lớn hoặc bạn bè cùng trang lứa. Vì vậy, cha mẹ hãy dạy trẻ rằng nếu con cảm thấy không thoải mái hoặc đang bị đe doạ, con có quyền nói không, yêu cầu người đó đi chỗ khác. Một cách khác, khi có người nào đó muốn con đụng chạm vào phần riêng tư của họ, con có thể trả lời rằng con cần đi vệ sinh, hoặc đi gặp ba mẹ con ngay bây giờ.
7. Giúp trẻ nghĩ ra một câu mật mã, hoặc dấu hiệu riêng để trẻ có thể sử dụng khi trẻ cảm thấy không an toàn hoặc trẻ cần được cha mẹ đến đón
Khi trẻ lớn hơn một chút, cha mẹ cùng trẻ có thể thống nhất ra một số câu mật mã, từ khoá để trẻ có thể sử dụng trong trường hợp trẻ cảm thấy không an toàn, bị đe doạ. Trẻ có thể gửi cho cha mẹ dù trẻ đang ở bất cứ đâu mà không cần trình bày quá dài dòng: khi đang chơi ở sân sau, khi trẻ đi chơi với bạn, khi trẻ xin ngủ lại nhà bạn…
8. Đảm bảo với trẻ rằng khi trẻ kể cho cha mẹ về chuyện đã xảy ra với trẻ, trẻ sẽ không bao giờ bị trách mắng
Nhiều trẻ cảm thấy sợ hãi khi phải tâm sự hoặc kể chuyện với cha mẹ về những gì xảy ra với các con. Vì các con nghĩ bản thân sẽ bị la mắng hoặc bị trừng phạt, không được cảm thông hay che chở. Những kẻ tội phạm xâm hại sẽ lợi dụng nỗi lo lắng của trẻ để ra tay và bắt trẻ im lặng. Do đó cha mẹ hãy khẳng định với trẻ thật nhiều lần rằng dù chuyện gì xảy ra, khi con kể cho cha mẹ nghe về những chuyện liên quan đến thân thể con hoặc con bị đụng chạm vào những bộ phận riêng tư, con sẽ không bao giờ bị trách mách, đổ lỗi hoặc bị phạt.
9. Cho trẻ biết rằng sẽ có những động chạm thân thiết giữa những người yêu quý trẻ.
Hãy giải thích cho trẻ việc quàng vai, nắm tay, nựng má, xoa đầu… của những người xung quanh yêu quý trẻ là những động chạm không có ý làm hại, làm đau hay xúc phạm trẻ. Nó khác với những đụng chạm vào vùng kín mà kẻ xấu muốn trẻ phải giữ bí mật hoặc dùng chuyện này để uy hiếp trẻ. Việc giải thích và phân biệt giúp trẻ có thể hiểu rõ hơn thay vì phải sống trong lo lắng.
10. Giúp trẻ hiểu được rằng những nguyên tắc bảo vệ bản thân nêu trên áp dụng kể cả với những người trẻ quen biết, thậm chí là với các bạn của trẻ, cha mẹ và trẻ không nên lơ là cảnh giác.
Đây là một điểm quan trọng mà cha mẹ nên trao đổi kỹ hơn với trẻ. Cha mẹ có thể thử hỏi trẻ xem trong suy nghĩ của các con, kẻ xấu có thể là ai, trông như thế nào? Câu trả lời phụ huynh nhận được sẽ phần lớn là những miêu tả về kẻ xấu như trong phim hoạt hình trên Youtube hoặc TV. Tuy nhiên, cha mẹ hãy cho trẻ biết rằng “Trong lúc tắm rửa, cha mẹ có thể đụng chạm vào những phần riêng tư của con để giúp con tắm. Nhưng ngoài ra không ai có quyền làm như vậy với con. Không một bạn nào, cô, dì, chú, bác, thầy cô hay huấn luyện viên có quyền làm vậy. Dù con có yêu quý họ đến mức nào, hoặc con nghĩ họ đang giúp con, nhưng họ không được chạm vào những nơi riêng tư của con”.
Có thể một buổi trò chuyện với trẻ chưa thể thay đổi được điều gì, chưa thể giúp trẻ hiểu hết những lo lắng của cha mẹ và nguy hiểm đang tiềm ẩn ngoài kia. Nhưng việc tiếp tục phổ cập những kiến thức là một biện pháp bảo vệ quan trọng mà trẻ có thể sở hữu từ từ từng bước, nhất là với nhóm trẻ nhỏ dễ bị lợi dụng vì sự ngây thơ hoặc bị người lớn lơ là.
Cha mẹ hãy cố gắng thực hiện nhiều cuộc trò chuyện với trẻ, đề cập một cách tự nhiên và khoa học nhất, như trong lúc đang tắm cho trẻ hoặc khi trẻ đang nhờ cha mẹ thay quần áo. Hãy trò chuyện với trẻ càng sớm càng tốt để trẻ có được sự hiểu biết cần thiết.
————-
Nguồn tham khảo:
https://childmind.org/article/10-ways-to-teach-your-child-the-skills-to-prevent-sexual-abuse/