Trung thực là 1 trong những phẩm chất đạo đức quan trọng của con người. Sống trung thực có nghĩa là thể hiện mọi thứ 1 cách ngay thẳng, thật thà, không dối trá. Điều này giúp ta nâng cao phẩm giá, làm lành mạnh các mối quan hệ xã hội và sẽ được mọi người tin yêu kính trọng. Vì vậy ngay từ khi trẻ còn nhỏ, hãy dạy con đức tính này.
Hãy nói với con rằng, dù chúng có gây ra lỗi lầm lớn đến đâu hay sự việc có khó khăn đến mức nào thì chỉ cần con nói thật, mọi chuyện đều có thể được giải quyết và bé sẽ dễ dàng được tha thứ hơn. Và khi con phạm lỗi, cha mẹ đừng nóng giận quá mà mắng chửi con, thậm chí là đánh chúng. Khi trẻ cảm nhận được bản thân không an toàn, chúng có xu hướng nói dối để lấp liếm hành vi của mình. Vì vậy cha mẹ cần bình tĩnh khi con làm sai và cố gắng giải thích cho con hiểu chúng sai ở đâu và cần sửa như thế nào là đúng nhất.
Ngoài ra, muốn dạy con tính trung thực, trước tiên cha mẹ phải sống như vậy. Người lớn thường hay có kiểu hứa suông để trẻ ngoan ngoãn làm theo lời mình. Nhưng sau đó lại quên mất lời hứa ấy. Hoặc chúng ta thường có những câu nói với con trẻ, đại loại như: “Con đừng nói với mẹ rằng bố đã cho con ăn kẹo nhé” hay “Nếu như chưa làm xong bài tập, con hãy nói với cô rằng hôm qua con bị ốm”… Những hành vi này của người lớn sẽ khiến trẻ nhận ra rằng, hóa ra nói dối không có gì ghê gớm, đáng bị lên án. Con sẽ rất nhanh học được thói xấu đó.
Công bằng có nghĩa là đối xử ngang bằng nhau, không có sự phân biệt, thiên vị. Dù có một hay nhiều con, cha mẹ hãy đối xử với chúng như nhau về các quy định trong gia đình. Đừng vì đứa này nhỏ, đứa kia lớn mà đối xử khác đi. Cũng đừng vì đứa này là con trai, đứa kia là con gái mà có sự bất công… Khi cha mẹ đối xử với con cái công bằng, ắt chúng sẽ học được phẩm chất đạo đức này.
Trẻ con thường có sự ích kỷ rất lớn, đặc biệt những đứa trẻ được nuông chiều còn hay coi mình là “trung tâm của vũ trụ”. Chúng dễ coi thường người khác và chỉ quan tâm đến cảm xúc của bản thân. Ngược lại, những đứa trẻ bị đối xử bất công, chúng dễ sinh lòng đố kị, ghen ghét anh em trong gia đình. Khi lớn lên, những đứa trẻ này sẽ đều mắc khuyết điểm về tính cách.
Vì vậy, cha mẹ hãy làm gương. Mọi lời nói, hành động của cha mẹ đều được trẻ quan sát và ghi nhớ. Bé cần được học cách yêu thương và chia sẻ với anh chị em, bạn bè.
Thành công không phải là thứ dễ dàng có được. Hãy dạy cho trẻ biết để có “trái ngọt”, các con phải lao động khổ sai thế nào. Khi đó con cần sự kiên nhẫn và quyết tâm thực hiện mục tiêu.
Sự quyết tâm sẽ đưa trẻ đến đích cuối cùng. Nếu con nóng vội, hay tức giận, thiếu đi sự kiên nhẫn, cùng ý chí, con sẽ khó làm được việc.
Ngoài ra phụ huynh hãy để con nếm mùi thất bại, đừng cố “lái” con mình thành người kiểu mẫu. Như vậy chúng sẽ rất dễ áp lực và chóng nản lòng. Mỗi khi con làm việc gì đó, cha mẹ hãy quan sát và động viên bé, hướng con tới kết quả cuối cùng nếu như con có thể hoàn thành mục tiêu, điều đó sẽ tiếp thêm cho trẻ rất nhiều sức mạnh.
Yêu thương là một phần vô cùng cần thiết của cuộc sống, đặc biệt đối với con nhỏ. Chúng ta có thể nghĩ rằng yêu thương là bản năng của trẻ và không cần dạy dỗ thì chúng cũng tự biết yêu mọi người. Đây là suy nghĩ khá sai lầm. Vì cũng như tất cả các khía cạnh khác, yêu thương cũng là một “kỹ năng” mà trẻ cần được dạy, được chỉ dẫn để thực hiện đúng.
Khi rèn luyện con đức tính yêu thương, cha mẹ cần lắng nghe ý kiến, suy nghĩ của trẻ. Chỉ khi con cảm thấy mình được tôn trọng, được lắng nghe, chúng mới tôn trọng và yêu thương mọi người. Ngoài ra cha mẹ cũng cần dạy trẻ nhìn nhận mọi thứ theo hướng tích cực. Bé sẽ biết cảm thông, đồng cảm với những mảnh đời trong xã hội.
Mỗi ngày cha mẹ hãy nói yêu thương con thật nhiều để trẻ cảm nhận được sự thương yêu. Như vậy tinh thần của con cũng khá hơn.
Khi được sống tự lập từ nhỏ, con sẽ khá tự tin lúc lớn lên. Đây là phẩm chất cần thiết để trẻ làm nên thành công trong cuộc sống. Cha mẹ hãy giúp con nâng cao sự tự tin của mình bằng cách: Dạy cho con cách tự ăn bằng thìa, mặc một chiếc áo, cho con quyền quyết định mua những món đồ đơn giản…tất cả những điều nhỏ đó sẽ giúp trẻ có cảm giác tự chủ và dần dần hình thành sự tự tin, bản lĩnh của bản thân mình.
Tuy nhiên cha mẹ nên nhớ rằng, dạy con cách tự tin vào chính mình chứ không phải tự kiêu. Giúp con hiểu rằng, nếu như mọi chuyện quá khó khăn và vượt ngoài khả năng của con, đừng ngần ngại yêu cầu được giúp đỡ hoặc tư vấn từ những người xung quanh.