Trong những tháng đầu đời, thị lực của bé chưa phát triển hoàn thiện. Những tương tác bằng mắt, nhìn trực diện lúc này có ý nghĩa rất lớn với trẻ. Bằng cách này, bé sẽ học biết rất nhanh và ghi nhớ những gương mặt quen thuộc. Tiếp theo sau đó là sự phát triển các kỹ năng từ đơn lẻ đến phức tạp,  thông qua các công cụ học tập là những trò chơi bổ trợ trí tuệ như ú òa, trốn tìm. Ngoài ra còn một vài thủ thuật khác mà các bà mẹ có thể áp dụng riêng cho từng giai đoạn phát triển.

Dưới đây là những thủ thuật phát triển kỹ năng và trí tuệ cho trẻ theo từng giai đoạn tăng trưởng mà trang Bright Side đã gợi ý. Có nhiều mẹo hữu ích mà nhiều mẹ trẻ đang cần từ trong danh sách này đấy!

Giai đoạn 0 – 3 tháng

– Việc cần làm: Đặt bé nằm sấp và dùng lắc chuông hoặc lục lạc quơ nhẹ trước mặt bé. Mẹ nhớ chỉ quơ nhẹ một chút, nâng lên hoặc hạ xuống thôi nhé. Đừng nên lắc quá nhiều sẽ khiến bé kinh động. Thay vào đó, kết hợp quan sát xem bé có ngẩng đầu lên không hay có nhích vai về hướng cái lắc chuông hay không. Nếu không, hãy tiếp tục khuyến khích bé. Những lúc bé nằm ngửa, hãy chỉ cho bé xem một vật gì đó ở bên trái, rồi bên phải nhưng không quá xa. Sự thận trọng này nhằm giúp bé có thể quay đầu dõi theo một cách thật an toàn.

– Lợi ích mang lại: Trẻ nằm sấp từ 1 đến 5 phút mỗi ngày rất có lợi cho sự phát triển của phần đầu, cổ và thân trêen. Nó sẽ củng cố sức mạnh của những bộ phận này để bé sẵn sàng cho sự phát triển những kỹ năng vận động sau này như nâng đầu và bò. Nhưng mẹ nhớ phải luôn quan sát bé khi bé nằm sấp và khi ngủ phải cho bé trở lại tư thế nằm ngửa nhé!

Giai đoạn 3 – 6 tháng

– Việc cần làm: Ôm con vào lòng, cho bé hướng nhìn về phía mẹ để có thể nhìn thẳng vào mắt mẹ. Giao tiếp bằng mắt trực tiếp với bé và bắt đầu nói chuyện cách chậm rãi, phát âm thật rõ ràng sẽ mang nhiều ý nghĩa cho sự phát triển trí não và ngôn ngữ của trẻ. Vào thời điểm này, tầm nhìn của trẻ vẫn còn hạn chế từ khoảng cách đến độ tinh nhạy, vì vậy bé sẽ cố gắng hết sức để hướng càng gần khuôn mặt mẹ càng tốt. Bé cũng có thể cố gắng bắt chước những âm thanh mẹ tạo ra. Khi thấy bé bập bẹ, mẹ hãy chịu khó lặp lại những từ tương tự. Liên kết những từ đó với biểu cảm gương mặt và chú ý dồn toàn bộ thời gian hìn chăm chăm vào mắt trẻ.

– Lợi ích mang lại: Sự tương tác bằng mắt liên tục và tích cực từng ngày giúp bé học hỏi về ngôn ngữ và giao tiếp. Đó cũng là cách tạo ra mối liên hệ giữa lời nói và cảm xúc, đặt nền tảng cho những tư duy phức tạp về sau.

Giai đoạn 6 – 9 tháng

– Việc cần làm: Không còn đơn lẻ một hoạt động, mẹ có thể kết hợp các hoạt động khác nhau ở giai đoạn này. Ví dụ: chơi trò “ú òa” với con. Mẹ có thể giấu khuôn mặt của mình sau lòng bàn tay, sau một cánh cửa, chiếc ghế sofa hay chiếc gối. Khi thấy mẹ xuất hiện sau tất cả những vật dụng này và cứ xuất hiện liên tục lặp lại, ban đầu, bé sẽ ngạc nhiên vì không hiểu rằng mẹ đã luôn ở đó suốt thời gian trò chơi diễn ra. Bé sẽ chỉ nghi ngờ có thể sẽ lại gặp mẹ mà thôi.

– Lợi ích mang lại: Trẻ sơ sinh học tập thông qua sự lặp lại và học cách suy luận. Trò chơi “ú òa” là một cách tuyệt vời để hình thành tư duy phân tích ở mỗi đứa trẻ. Các bé cũng bắt đầu hiểu một khái niệm được gán cho một đối tượng nào đó trong giai đoạn này.

Giai đoạn 9-12 tháng

– Việc cần làm: Chơi các trò chơi phức tạp hơn như “trốn tìm” chẳng hạn. Mẹ lấy một món đồ chơi, gây tiếng ồn và giấu nó ở một nơi mà bé hoàn toàn có thể với tới. Khuyến khích bé tìm kiếm nó chỉ bằng cách lắng nghe âm thanh. Một khi bé đã tìm được món đồ cần tìm, mẹ hãy vỗ tay hoặc ăn mừng bằng một số hình thức để khuyến khích trẻ hứng thú với trò trốn tìm này ở những lượt chơi sau.

– Lợi ích mang lại: Giai đoạn này bé đang học cách suy nghĩ và giải quyết vấn đề. Trò chơi trốn tìm sẽ rèn luyện thính giác của trẻ và nhiều kỹ năng phối hợp cùng lúc, cũng như khuyến khích sự khám phá của bé.

Giai đoạn 12 – 15 tháng

– Việc cần làm: Gọi tên mọi đồ vật mẹ đang cầm trên tay và đưa tận mắt cho trẻ xem. Nếu bé tập trung, mẹ hãy dùng một tính từ đơn giản để mô tả đặc điểm của mỗi món đồ. Tiếp theo đặt câu hỏi về các món đồ và trả lời cho bé nghe. Ngoài ra, mẹ cũng có thể sử dụng các vật liệu đồ chơi mở như những chiếc hộp carton, hộp đựng đồ các loại hoặc các khối có hình dạng và màu sắc khác nhau. Để cho bé chơi và sáng tạo với những món đồ này như một thói quen.

– Lợi ích mang lại: Kỹ năng nói của trẻ ở giai đoạn này chỉ mới bắt đầu phát triển. Nếu bố mẹ và người nhà không phải là người giúp trẻ được chơi, được nói và hoạt động thì đó là thiệt thòi cho bé. Cả hoạt động vui chơi trong nhà lẫn ngoài trời lúc này đều rất tốt cho bé.

Giai đoạn 15 – 18 tháng

– Việc cần làm: Lấy một giỏ đựng quần áo và đặt các đồ vật khác nhau vào bên trong. Hãy thử chọn những thứ mà trẻ mới biết đi có thể nhặt lại một cách dễ dàng mà không có nguy cơ gây ra tổn thương về thân thể. Có thể bé sẽ muốn lấy đồ ra và đặt lại chỗ cũ. Thậm chí bé có thể cố gắng tự mình trèo vào trong giỏ. Việc của mẹ là hướng dẫn cho bé cách xử lý các món đồ.

– Lợi ích mang lại: Trò chơi này sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng vận động thô và giữ thăng bằng. Đồng thời sẽ giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng của mình trong các hoạt động vui chơi.