Người trẻ chọn nghề và ‘mâm cơm dọn sẵn’ của cha mẹ – Nhân Cách Việt Đào tạo THÁI ĐỘ SỐNG, KỸ NĂNG SỐNG cho Thanh Thiếu Niên

Người trẻ chọn nghề và ‘mâm cơm dọn sẵn’ của cha mẹ

Cha mẹ ơi, xin đừng chọn trường, chọn ngành thay con: Tâm sự nghẹn ngào của học sinh lớp 12 trước mùa thi Đại học
17 Tháng Một, 2020
Cha mẹ Việt nên đẩy con ‘ra đường’ làm thêm từ lúc còn đi học
17 Tháng Một, 2020

Người trẻ chọn nghề và ‘mâm cơm dọn sẵn’ của cha mẹ

Nhiều cha mẹ muốn con học ngành nghề theo ý muốn vì ra trường sẽ có người quen xin việc.

Thứ bảy tuần rồi, tôi được mời làm giám khảo chấm điểm bài thi thuyết trình cuối môn kỹ năng làm việc tại một trường đại học. Buổi thuyết trình của các nhóm sinh viên trình bày về những kiến thức, kỹ năng cũng như các cảm nhận về cuộc sống, xã hội dưới góc nhìn của các bạn. Chúng tôi vô cùng thích thú với các chủ đề thuyết trình dưới lăng kính các bạn trẻ năng động trong độ tuổi đôi mươi. Vào cuối buổi có một bài thuyết trình với một chủ đề mang tên “Người trẻ và mâm cơm dọn sẵn” của nhóm năm bạn sinh viên khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn suy nghĩ.

Năm bạn, đến từ 3 tỉnh thành phía nam đã học đến năm cuối đại học, nghĩa là chỉ còn vài tháng nữa họ sẽ ra trường, sẽ là lực lượng lao động mới năng động có tri thức của đất nước, những suy tư trong bài thuyết trình của họ thực sự khiến chúng tôi và cả những bạn sinh viên trong phòng phải giật mình nhìn lại.

Trong bài thuyết trình các bạn cho rằng, có rất nhiều sinh viên đến học tại các trường Cao đẳng, Đại học là bởi vì sự gượng ép của gia đình và sức ép của xã hội hơn là vì khát vọng và đam mê thực sự của bản thân.

>> Nhiều người trẻ chạy xe ôm – thực trạng đáng lo ngại của nền kinh tế

Nhóm các bạn thực hiện một cuộc khảo sát quy mô nhỏ với 50 sinh viên và thực sự bất ngờ có đến hơn một phần ba thực sự chẳng có hứng thú với những kiến thức đang được học. Và thậm chí có hơn một nửa có suy nghĩ sẽ chẳng muốn làm đúng công việc mà mình được đào tạo sau khi ra trường.

Chủ đề thuyết trình của các bạn được các bạn chọn từ kinh nghiệm của chính bản thân các bạn, có tới ba trong năm bạn đang học theo yêu cầu của gia đình bởi vì cha mẹ các bạn đã lo cho bạn một chỗ trong một công ty lớn hoặc một cơ quan nào đó.

Tôi hỏi các bạn và hơn 30 sinh viên trong phòng, có bạn nào đến giờ phút này đang cảm thấy mình đang học sai ngành nghề hay không. Những cánh tay dần được nâng lên và tôi đếm được 14 cánh tay trên tổng số 38 sinh viên có mặt tại phòng học lúc đó.

Chúng tôi dành thêm 15 phút tìm hiểu các nguyên nhân thì tôi còn biết được ngoài lý do cha mẹ đã chọn nghề cho con thì còn có những lý do rất ngây ngô như: được bạn bè rủ rê, thấy trường đẹp, không biết học gì sau khi tốt nghiệp cấp ba, và cũng có lí do là thấy công việc đó vui nhưng vô học lại thấy không hào hứng… Đa phần các bạn đều mong muốn có một công việc thử thách, năng động và bản thân thực sự yêu thích sau khi tốt nghiệp, nhưng phần nhiều các bạn không tự tin mình có thể làm được điều đó.

Tôi hay ăn sáng ở quán cơm tấm của hai cô chú có một cô con gái đang học đại học ngân hàng. Trong khoảng hơn một năm nay cô bé có vẻ bướng bỉnh ngang ngạnh hơn những năm trước. Tôi tìm hiểu thì mới biết cô chú bắt cháu học ngân hàng vì gia đình được một người cô hứa sẽ xin cho việc làm trong một ngân hàng lớn mặc dù cô bé có ước mơ làm giáo viên tiếng Anh. Em nghe lời cha mẹ nhưng lại không cảm thấy vui vẻ gì với ngành mình đang học nên dẫn đến những thái độ và hành vi không giống như cô bé của những năm trước mà tôi biết.

Tôi có một người bạn nhỏ hơn vài tuổi, cha mẹ cậu có một cơ ngơi rất lơn ở miền tây cộng thêm nhiều bất động sản ở Sài Gòn. Cha mẹ cậu muốn cậu tiếp quản cơ ngơi nên ép cậu học quản trị kinh doanh mặc dù anh chàng chỉ muốn làm một người pha chế rượu. Nghe lời cha mẹ cậu cũng đã học và tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh sau đó trở về quê để phụ việc với gia đình nhưng những sự khác biết về tư duy và phương pháp làm việc đã dẫn đến xung đột giữa người cha và đứa con trai duy nhất trong gia đình. 

>> ‘Sếp nhắc nhở thì nhân viên tự ái, nói chạy xe ôm dễ kiếm tiền hơn’

Xung đột lên tới đỉnh điểm khi cha mẹ bắt cậu cưới một người con gái của một quan chức địa phương, người mà cậu không hề quen biết. Cậu bỏ nhà lên Sài Gòn sống phiêu bạt hơn năm năm nay, hai cha con từ mặt nhau nhưng người mẹ vì thương con vẫn lén lút gởi hàng chục triệu đồng mỗi tháng để cậu bù khú trong các cuộc vui tại đất Sài Gòn.

Tôi biết sẽ còn rất nhiều những câu chuyện giống hai câu chuyện tôi vừa nêu trên dẫn đến tình trạng sinh viên, người trẻ sau khi có được tấm bằng cử nhân cao đẳng đại học lại chán nản không muốn làm việc mình đã được đào tạo dẫn đến thất nghiệp hoặc phải làm những công việc trái ngành nghề, không cần kỹ năng.

Trở lại với các bạn sinh viên trong buổi thuyết trình, tôi hỏi các bạn dự định làm gì sau khi tốt nghiệp đại học, nhóm các sinh viên đang hứng thú với việc học thì hi vọng sẽ tìm được công việc phù hợp với khả năng và chuyên môn được đào tạo.

Một phần không nhỏ các bạn sẽ đi làm theo sự sắp đặt của gia đình. Nhóm các bạn còn lại thì sẽ ráng trụ lại Sài Gòn vài năm mong tìm được công việc mình yêu thích, hoặc “cùng lắm thì về quê nuôi cá và trồng rau” theo lời một bài hát đang thịnh hành trong giới trẻ, được một bạn sinh viên có dáng nghệ sĩ trả lời.

Và điều thực sự khiến tôi bất ngờ nhất là dường như toàn bộ sinh viên trong phòng đều không muốn được người lớn sắp đặt và lập trình sẵn tương lai giống như những bữa cơm dọn sẵn mà các bạn đã ví von đầu buổi thuyết trình.

Tôi không có số liệu cụ thể về số lượng sinh viên ra trường đang làm việc trái ngành nghề được đào tạo nhưng nếu nhìn vào các số lượng những bạn trẻ đang làm các công việc phổ thông, không cần kỹ năng để kiếm sống thì quả thực con số này không hề nhỏ. Đây thực sự là vấn đề đáng quan tâm.

Đất nước ta không có những thương hiệu lớn mang tính toàn cầu hoặc những đột phá về khoa học, kỹ thuật công nghệ cũng có phần lớn nguyên nhân là người lao động không thực sự đam mê công việc của họ. 

Mùa hè là thời điểm quan trọng của các bạn học sinh vừa tốt nghiệp cấp ba, những người chuẩn bị chọn cho mình một hành trang vào đời.

Tôi mong cha mẹ, gia đình và cả xã hội đừng tạo áp lực trên các bạn trẻ, hãy khuyến khích họ đến với đam mê đích thực của họ. Các bạn trẻ hãy chọn cho mình một ngành nghề thực sự yêu thích để không phải hối hận và tới năm cuối đại học phải thốt lên ước gì mình đã không chọn ngành này.

“Nếu làm công việc mình yêu thích thì cả đời sẽ không phải làm việc ngày nào”.

Henry Nguyễn

Comments are closed.