KỸ NĂNG SỐNG LÀ GÌ? – Nhân Cách Việt Đào tạo THÁI ĐỘ SỐNG, KỸ NĂNG SỐNG cho Thanh Thiếu Niên
10 cách TỐT NHẤT để giữ “lửa” trong gia đình
4 Tháng Năm, 2021
CẢM XÚC ẢNH HƯỞNG ĐẾN NĂNG LƯỢNG CỦA BẠN NHƯ THẾ NÀO?
4 Tháng Năm, 2021

KỸ NĂNG SỐNG LÀ GÌ?

Những năm gần đây, tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, xuất hiện những vụ án giết người, cố ý gây thương tích mà đối tượng gây án là học sinh và nạn nhân chính là bạn học và thầy cô giáo của họ. Bên cạnh đó là sự bùng phát hiện tượng học sinh phổ thông hút thuốc lá, tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục sớm,… thậm chí là tự sát khi gặp vướng mắc trong cuộc sống. Nhiều em học giỏi, nhưng ngoài điểm số cao, khả năng tự chủ và kỹ năng giao tiếp lại rất kém. Các em sẵn sàng đánh nhau, chửi bậy, sa đà vào các tệ nạn xã hội, thậm chí liều lĩnh từ bỏ cả mạng sống,…

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng trên, nhưng theo các chuyên gia giáo dục, nguyên nhân sâu xa là do các em thiếu kỹ năng sống. Các em chưa bao giờ được dạy cách đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống như mẹ cha ly hôn, kết quả học tập kém,…Các em không được dạy để hiểu về giá trị của cuộc sống.

  1. Đặt vấn đề?

Ngày nay, chúng ta đang nói rất nhiều đến kỹ năng sống ( KNS ) và giáo dục kỹ năng sống. Dư luận xã hội và các cơ quan quản lý, giáo dục trong thời gian qua rất quan tâm về một số biểu hiện về tâm lý, cách ứng xử và giải quyết các vấn đề xảy ra trong cuộc sống một cách thiếu định hướng giáo dục của giới trẻ, trong đó có đa phần là đối tượng thanh thiếu niên. Hàng loạt các vụ, việc xảy ra như bạo lực học đường, vi phạm đạo đức, có hành vi cấu thành tội phạm… đã đặt ra câu hỏi “đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?”. Phải chăng do các em thiếu kiến thức, kỹ năng sống và hòa nhập xã hội.

KNS chính là những kỹ năng tinh thần hay những kỹ năng tâm lý – xã hội giúp cho cá nhân tồn tại và thích ứng trong cuộc sống. KNS còn được xem như một biểu hiện quan trọng của năng lực tâm lý xã hội giúp cho cá nhân vững vàng trong cuộc sống có nhiều thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội trong thực tại.Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy giới trẻ Việt Nam vẫn còn rất thiếu các kỹ năng sống cần thiết và điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho họ trong công việc và thích ứng trong cuộc sống.

  1. Kỹ năng sống là gì?

Kỹ năng sống (Life Skills) là cụm từ được sử dụng rộng rãi nhằm vào mọi lứa tuổi trong mọi lĩnh vực hoạt động, gợi lên nhiều khả năng, thao tác, thực hiện một hoạt động nào đó.Luôn có một khoảng cách giữa thông tin – nhận thức và hành động.

Hiện nay đã có rất nhiều định nghĩa và quan niệm khác nhau về KNS.Theo từ điển Tiếng Việt: Kỹ năng là khả năng vận dụng những kiến thức trong một lĩnh vực nào đó vào thực tế. Còn theo từ điển trên mạng Wikipedia: Kỹ năng là sự thành thạo, sự dễ dàng, hoặc khéo léo có được thông qua đào tạo hoặc trải nghiệm. Có ba thành tố cơ bản của kỹ năng là kết quả, sự chắn chắn/ổn định và hiệu quả. Sống là một quá trình hoạt động đòi hỏi con người phải có những kỹ năng nhất định. Khó có thể liệt kê một cách đầy đủ những kỹ năng con người cần có trong quá trình sống.

Và mỗi định nghĩa được thể hiện dưới những cách thức tiếp cận khác nhau nhưng thống nhất trên nội dung cơ bản. Thông thường, KNS được hiểu là những kỹ năng thực hành mà con người cần để có được sự an toàn, cuộc sống khỏe mạnh với chất lượng cao.

+ Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).KNS gắn với 4 trụ cột của giáo dục:

  • Học để biết (learning to know): gồm các kỹ năng tư duy như tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề, nhận thức được hậu quả…
  • Học để làm (learning to do): gồm kỹ năng thực hiện công việc và nhiệm vụ như kỹ năng đặt mục tiêu, đảm nhận trách nhiệm,…
  • Học để làm người (learning to be: gồm các kỹ năng cá nhân như ứng phó với căng thẳng, kiểm soát cảm xúc, tự nhận thức, tự tin,…
  • Học để chung sống (learning to live together): gồm các kỹ năng xã hội như giao tiếp, thương lượng, tự khẳng định, hợp tác, làm việc theo nhóm, thể hiện sự cảm thông.

Như vậy theo quan niệm của UNESCO thì “Kỹ năng sống là năng lực cá nhân để họ thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày”.

+ Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO): “Giáo dục kỹ năng sống được thiết kế nhằm hỗ trợ và củng cố việc thực thi các kỹ năng tâm lý xã hội một cách phù hợp với nền văn hóa và sự phát triển, nó đóng góp vào sự phát triển của cá nhân và xã hội, việc phòng chống các vấn đề xã hội và sức khỏe, và sự phát triển quyền con người”[1]. Nhìn chung, dựa trên quan điềm này, những kỹ năng thiết thực mà con người cần để có cuộc sống an toàn và khoẻ mạnh, đó là những kỹ năng tâm lý xã hội và giao tiếp mà mỗi cá nhân có thể có để tương tác với những người khác một cách hiệu quả hoặc ứng phó với những vấn đề hay những thách thức của cuộc sống hàng ngày như khả năng duy trì trạng thái khỏe mạnh về mặt tinh thần biểu hiện qua các hành vi phù hợp khi tích cực tương tác với người khác, với người xung quanh cũng như nền văn hóa xã hội.

+ Tương đồng với quan niệm của WHO, còn có quan niệm KNS là những kỹ năng tâm lí xã hội liên quan đến những tri thức, những giá trị và những thái độ, cuối cùng được thể hiện ra bằng những hành vi làm cho các cá nhân có thể thích nghi và giải quyết có hiệu quả các yêu cầu và thách thức của cuộc sống

+ Theo UNICEFF, KNS là tập hợp rất nhiều kỹ năng tâm lý xã hội và giao tiếp cá nhân giúp cho con người đưa ra những quyết định có cơ sở, giao tiếp một cách có hiệu quả, phát triển các kỹ năng tự xử lý và quản lý bản thân nhằm giúp họ có một cuộc sống lành mạnh và có hiệu quả. Từ KNS có thể thể hiện thành những hành động cá nhân và những hành động đó sẽ tác động đến hành động của những người khác cũng như dẫn đến những hành động nhằm thay đổi môi trường xung quanh, giúp nó trở nên lành mạnh.[2]

+ Trong tài liệu tập huấn hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp của Bộ GD- ĐT, KNS là khả năng thực hiện những hành vi thích ứng tích cực, những cách hành xử hiệu quả, giúp cá nhân hoà nhập vào môi trường xung quanh (gia đình, 5 lớp học, thế giới bạn bè…), giúp cá nhân hình thành các mối quan hệ xã hội, phát triển những nét nhân cách tích cực thuận lợi cho sự thành công học đường và thành công trong cuộc sống.

+ Ngoài ra, tác giả Nguyễn Hữu Long[3] (chủ biên) trong Phát triển Kỹ năng sống (Dành cho lứa tuổi thiếu niên) cũng đã đề cập ba quan điểm về kỹ năng thông qua các tài liệu nghiên cứu, giáo trình của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước như:

  • Kỹ năng là kỹ thuật thao tác của hành động (được đánh giá dựa trên mức độ chuẩn xác về mặt kỹ thuật khi thực hiện các thao tác và kết quả của hành động)
  • Kỹ năng là một năng lực của con người trong hoạt động (quan điểm này có khuynh hướng chú ý nhiều đến mặt năng lực, tri thức của các nhân đến việc hình thành kỹ năng, ít chú ý đến việc trải nghiệm và quá trình rèn luyện để có kinh nghiệm)
  • Kỹ năng là hành vi giao tiếp ứng xử (quan điểm xem kỹ năng không chỉ là kỹ thuật thực hiện thao tác, mà kỹ năng gắn với nhận thức, giá trị, niềm tin của mỗi cá nhân).

Tóm lại, khi xem xét kỹ năng cần lưu ý. Kỹ năng trước hết phải được hiểu là mặt kỹ thuật của hành động, kỹ năng bao giờ cũng gắn với hành động, với nhiệm vụ, lĩnh vực, ngữ cảnh và con người cụ thể. Tính đúng đắn, sự thành thạo, linh hoạt, mềm dảo là tiêu chuẩn quan trọng để xác điinh sự hình thành và phát triển của kỹ năng. Một hành động chưa thể được gọi là có kỹ năng nếu còn mắc nhiều lỗi vụng về, thao tác diễn ra theo khuôn mẫu cứng nhắc.

Kỹ năng không phải sinh ra đã có, kỹ năng là sản phẩm của hoạt động thực tiễn. Đó là quá trình con người vận dụng những tri thức và kinh nghiệm vào hoạt động thực tiễn để đạt được mục đích đề ra. Đó là một quá trình luyện tập theo một quy trình nhất định.(còn nữa)

Comments are closed.