Với nhiệm vụ gọi vốn, các nhà khởi nghiệp cần tự trả lời cho mình câu hỏi như bạn gọi vốn để làm gì? Bạn sử dụng thế nào? Làm sao để gọi vốn thành công?

Trong quá trình cố vấn tôi đã hỗ trợ các bạn trẻ gọi vốn, cũng trực tiếp đầu tư vào hàng chục dự án khởi nghiệp. Dưới đây là một số bí quyết đúc rút trong quá trình làm việc cùng các nhà khởi nghiệp xây dựng kế hoạch gọi vốn và đã giúp khá nhiều startup gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư suốt 10 năm qua. Bài viết này sẽ tập trung vào các dự án khởi nghiệp ở giai đoạn sớm từ ý tưởng đến trước giai đoạn tăng trưởng.

Bạn đang ở giai đoạn nào của gọi vốn?

Để bắt đầu cho công cuộc gọi vốn, mỗi dự án cần biết mình ở giai đoạn nào. Mỗi giai đoạn, bạn sẽ cần số vốn khác nhau, nhà đầu tư khác nhau, cần gọi số tiền khác nhau.

Ở giai đoạn ý tưởng, nhà khởi nghiệp sử dụng vốn của bản thân để bước đầu kiểm chứng ý tưởng của mình thông qua các khảo sát kiểm chứng khách hàng, song song với đó là tìm kiếm các cofounder (người đồng sáng lập) có cùng chí hướng nhưng có những điểm mạnh khác nhau. Những cofounder cũng là những người góp vốn theo tỷ lệ cổ phần tham gia. Ở bước tiếp theo, đây là lúc cần vốn cho việc xây dựng sản phẩm mẫu MVP, dịch vụ thử nghiệm để kiểm chứng nhu cầu của khách hàng với sản phẩm dịch vụ của mình, giai đoạn này cần huy động vốn từ người thân, bạn bè hoặc các nhà đầu tư thiên thần tham gia.

Ở các trường Đại học, nguồn vốn ở giai đoạn này có thể đến từ giảng viên hướng dẫn, cựu học sinh hay doanh nhân tham gia vào hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Số tiền đầu tư ở giai đoạn này không lớn, tuy nhiên, mức độ rủi ro của khoản đầu tư ở giai đoạn này khá cao. Số tiền đầu tư ban đầu dao động từ 30 triệu đến dưới 20.000 USD. Giai đoạn này, các nhà khởi nghiệp có tầm nhìn tương lai sẽ luôn dành ra một phần cổ phần ưu đãi (option pool) để tăng, bán ưu đãi cho cofounder đến muộn, nhân viên trụ cột của các bộ phận hoặc cố vấn khi công ty phát triển.

Giai đoạn tiền hạt giống, các dự án sẽ tìm kiếm các nhà đầu tư thiên thần để phát triển sản phẩm, kiểm chứng yếu tố thị trường, cải tiến công nghệ…Mặc dù các nhà đầu tư thiên thần có các điều kiện dễ dàng hơn các quỹ đầu tư, những việc tìm kiếm nhà đầu tư thiên thần lại không dễ dàng. Chỉ có khoảng 1/72 dự án tìm kiếm nhà đầu tư thiên thần được rót vốn. Số tiền các nhà đầu tư thiên thần tham gia đầu tư dao động từ 5.000 USD cho đến 100.000USD.
Giai đoạn hạt giống (seeding), ngoài các nhà đầu tư thiên thần còn có sự tham gia các các quỹ đầu tư mạo hiểm ở giai đoạn sớm với quy mô vốn đầu tư lên tới 300.000 USD -500.000 USD cho các doanh nghiệp đã kiểm chứng thị trường và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Các giai đoạn tiếp theo như Serial A,B,C,D sẽ tiếp thêm những nguồn vốn lên tới hàng triệu, chục triệu USD cho tiềm năng phát triển và mở rộng của các startup.

Vì vậy, nếu bạn đang ở giai đoạn ý tưởng mà đi gọi 100.000 USD vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm hay bạn đang ở giai đoạn phát triển mở rộng mà gọi 3 triệu USD từ nhà đầu tư thiên thần thì bạn đang có tới 99% khả năng thất bại trong việc gọi vốn.

Mục tiêu gọi vốn?

Có nhiều nhà khởi nghiệp nói rất cần gọi vốn nhưng khi được hỏi bạn gọi vốn để làm gì thì rất mơ hồ trong việc cần vốn và sử dụng vốn cho dự án.

Ở các giai đoạn sớm, việc gọi vốn nhằm mục đích kiểm chứng các ý tưởng, giải pháp với nhu cầu của khách hàng. Đó có thể là khoản tiền dành cho việc xây dựng sản phẩm mẫu MVP, triển khai các chương trình phỏng vấn, kiểm chứng khách hàng hay sớm hơn là nghiên cứu thị trường. Giai đoạn tiếp theo, đó có thể là số tiền để tiếp tục cải tiến sản phẩm mẫu dự trên phản hồi của khách hàng, là tiền làm khuân mẫu hoặc sản xuất lô sản phẩm chính thức đầu tiên để bán ra thị trường.

Các giai đoạn tiếp theo, số tiền gọi vốn có thể dành cho việc mở rộng sản xuất, kênh phân phối, mở rộng thị trường quốc tế hoặc dành cho tuyển dụng nhân sự cao cấp. Dù là sử dụng vào việc gì, nhà khởi nghiệp cần có bảng kế hoạch tài chính chi tiết, đầy đủ các phương án kế hoạch sử dụng tiền ngay tại thời điểm nhận được vốn đầu tư. Đồng thời, luôn có kịch bản doanh thu, lợi nhuận cho việc không nhận được vốn từ nhà đầu tư.

TƯ VẤN XÂY DỰNG HỆ THỐNG KINH DOANH